26-03-2019 bởi Nguyễn Thu Hằng

Chinh phục đèo Mã Phục - Cao Bằng

Khi tới Cao Bằng thì đèo Mã Phục là điểm đến lí tưởng để du khách chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng vùng Đông Bắc và khám phá những phiên chợ trên đỉnh đèo nơi đây.

1.Đường đến đèo Mã Phục – Cao Bằng

Đèo Mã Phục thuộc địa phận xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được coi như ranh giới giữa huyện Trà Lĩnh với huyện Hòa An.

Xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội, để đến đèo Mã Phục thì du khách cần đi quãng đường gần 300km.


Cung đường Hà Nội – đèo Mã Phục ( Cao Bằng )

Bạn có thể chọn đi bằng xe máy, ô tô để đến được đây. Từ thành phố Cao Bằng, đi dọc 30km theo quốc lộ 3 qua các huyện phía đông Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh khoảng 22km thì sẽ đến đèo Mã Phục.

Đèo Mã Phục vốn nổi tiếng và thu hút du khách bởi sự hiểm trở cũng như cảnh vật kì vĩ. Đây là điểm đầu tiên cho du khách khi đến tham quan cụm phía đông của Công viên địa chất non nước Cao Bằng.


Đèo Mã Phục hiểm trở

2.Chinh phục đèo Mã Phục

Đặc điểm

Đèo Mã Phục với bảy tầng xoáy cua hiểm trở với chiều dài lên tới 3.5km. Đèo nằm ở độ cao 620m với bảy tầng uốn lượn để lên đến đỉnh. Ở phía nam đèo là đường vòng lên dốc gồm bốn tầng đèo, lên đến đỉnh phía bắc còn hai cái dốc với một khúc cua. Khi đổ dốc ở phía bắc là tới địa phận huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh.

Vừa tới chân đèo Mã Phục, du khách sẽ thấy hai núi đá vôi dựng đứng, quay mặt vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Có lẽ vì thế nên con đèo mới có tên là Mã Phục. Đèo vắt qua những dãy núi hoang sơ và được đánh giá là con đèo đẹp nhất ở quốc lộ 3.


Cảnh sắc tuyệt đẹp ở đèo Mã Phục khi chiều tà

Ngoài ra thì còn có một loại địa chất độc đáo ở chân núi : một loại đá màu xanh đen, hình cầu rất đẹp được gọi là bazan cầu gối. Khoảng hơn 200 triệu nằm về trước thì nơi đây có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa đột ngột phun lên, nước biển bị nguội tạo thành các cầu gối với kích thước chủ yếu dưới 1m.

Đèo Mã Phục rộng lớn, bao la và hùng vĩ với những dãy núi nối tiếp nhau. Những bụi hoa dã quỳ nở vàng ươm xen lẫn với ruộng ngô xanh ngắt trải dài khiến du khách như được hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp.

Truyền thuyết đèo Mã Phục

Bất cứ một địa danh nào cũng sẽ gắn với một câu chuyện truyền thuyết riêng. Đèo Mã Phục cũng gắn với một truyện huyền ảo của riêng mình.

Câu chuyện kể rằng, vào giữa thế kỉ XI, thủ lĩnh người Tày tên là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân Cao Bằng chống lại nhà Tống ở phía Bắc xâm lược nước ta. Trong lần tuần tra biên giới trở về, tới xã Quốc Toản, ông gặp con đèo quanh co, hiểm trở, ngựa của ông đột ngột bị khuỵu gối không thể đi tiếp.

Con đèo đó chính là đèo Mã Phục (ngựa quỳ) còn dãy núi mà người anh hùng đi tới đó được gọi là Án Lại. Sự mỏi mệt của người và ngựa là hình ảnh kì vĩ của con đèo dựng bên triền núi đá vôi. Con đèo dựng ngược hút mây trời. Hơi thở dốc khi đi đường dài mệt mỏi. Ngựa hí vang ngước nhìn trời lần cuối rồi quỳ gục dưới chân người.


Con đèo gắn với những câu chuyện huyền thoại – Mã Phục

Con đèo Mã Phục còn là con đường quân sự duy nhất để các chiến sĩ của ta hành quân xuyên rừng trong thời kì chống thực dân Pháp. Giặc ném bom nhằm phá hoại, cắt đứt con đường tiếp tế từ các nước bạn về các mặt trận vùng xuôi. Nhưng bằng sự quả cảm, anh dũng, người lính vẫn tiếp tục vận chuyển lương thực, thuốc men về với miền xuôi bằng mọi cách qua con đèo này.

Những câu chuyện huyền bí về con đèo được người dân địa phương lưu truyền từ đời này sang đời khác và được kể lại cho khách du lịch khi đến tham quan đèo Mã Phục.

Xuất phát lên đèo Mã Phục

Cảnh sắc hai bên đường thực sự khiến du khách ngỡ ngàng. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu dưới những khe núi hẹp. Phải là một người có tay lái cứng mới đi qua được con đèo Mã Phục này. Trên đỉnh đèo là ngã ba Cốc Phát, nơi đây là điểm bắt đầu đường tỉnh 205 đến với cửa khẩu Trà Lĩnh.


Cung đường ngoằn ngoèo trên đèo Mã Phục

Cảnh đẹp vừa bình dị vừa nên thơ của một vùng biên ải chính là nét độc đáo khi du khách đến khám phá con đèo Mã Phục. Phóng tầm mắt ra xa là những thung lũng trải rộng với những cây cối tốt tươi. Những bản làng nhỏ với cảnh sinh hoạt tấp nập của người dân địa phương.


Chênh vênh đèo Mã Phục

Lên đến đèo Mã Phục, du khách sẽ cảm thấy một vùng khí hậu lạnh cóng vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Nơi đây như một thiên đường nghỉ mát tuyệt vời.


Du khách được hòa mình với thiên nhiên tại đèo Mã Phục

Đỉnh đèo ở giữa hai ngọn núi tựa như chiếc cổng thành để đi về các huyện phía đông của tỉnh Cao Bằng. Du khách sẽ hút hồn với các vách núi cheo leo, hiểm trở và các vực sâu thăm thẳm. Cảnh vật vừa nguy hiểm vừa hùng vĩ của núi non được thu vào trong con mắt của du khách. Núi nối tiếp núi, mây trập trùng mây. Những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn trong ánh nắng vàng bình yên đến lạ.


Ruộng bậc thang cùng các bản làng yên bình

Phiên chợ trên đỉnh đèo Mã Phục

Ở trên đỉnh đèo cao gần 700m lại có một phiên chợ độc đáo được họp năm ngày một phiên vào mùng 3 – 8 – 13 – 18 – 23 – 28 hàng tháng. Đây là phiên chợ của người Nùng, Tày, Dao từ các bản làng dưới chân núi, vượt đèo lên đây tạo ra phiên chợ đậm chất dân tộc.

Các mặt hàng vô cùng phong phú đa dạng. Du khách có thể mua những hạt dẻ Trùng Khánh, dao cuốc Quảng Uyên, gà, lợn, thịt bò, măng tươi… Nếu may mắn, bạn còn có thể mua được những giống lan rừng quý hiếm như lan Tiên Vũ, lan Đuôi Chồn, lan Đuôi Cáo…Những chùm hoa lan nở rộ với sắc vàng ươm và hương thơm ngát khiến du khách không thể bỏ qua. Đến với chợ phiên, du khách còn được nghe những điệu Sli của những chàng trai, cô gái trong cảnh sắc hùng vĩ của núi đèo.


Lạc lối tại chợ phiên trên đỉnh Mã Phục

Chinh phục con đèo Mã Phục luôn là thử thách của nhiều du khách khi đến Cao Bằng. Ngắm cảnh sắc thiên nhiên và thưởng thức đặc sản nơi đây sẽ là kỉ niệm đáng nhớ với bạn. Cảnh sắc tươi đẹp của đèo Mã Phục đã đi vào văn chương với những tập hồi ức như “ Bên kia đèo  Mã Phục” – Nguyễn Như Mai hay lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp đầy oai hùng của dân tộc ta.