Tôi nhớ cách đây khoảng 3-4 năm, Myanmar xa xôi và cổ kính nổi
lên như một địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều người Việt Nam. Những câu miêu
tả về một đất nước có thể dẫn bạn về lại Việt Nam những năm 70-80 hẳn đã khơi
gợi trí tò mò của nhiều người. Và cả tôi. Nhưng tôi lại chưa có hứng thú nhiều
về Myanmar cho đến khi một trận động đất xảy ra vào năm 2016 phá hủy nhiều ngôi
chùa cổ ở cố đô Bagan, Myanmar. Đó là lúc tôi biết mình phải đặt chân đến đây
trước khi vết tích thời gian cùng những giá trị lịch sử bị thiên nhiên vô tình
mai một. Và tôi quyết định du lịch một mình.
Giữa các thời điểm trong năm, tôi chọn thời điểm Tết Nguyên Đán
ở Việt Nam để ghé thăm Miến Điện. Thời tiết từ tháng 10 đến tháng 3 có thể nói
khá thoải mái với một người không thích tiết trời nóng nực như tôi. Quá bận rộn
với công việc nên tôi chỉ có thể đọc review trên mạng của những bạn đi trước
một ngày trước chuyến đi và tóm gọn lại bằng một câu trong cuốn sổ hành trình
của mình “Không làm gì cả ngoài việc ngắm bình minh và hoàng hôn”. Thế là,
chuyến du lịch một mình 6 ngày 5 đêm của tôi ở Myanmar bắt đầu.
NGÀY
1: YANGON HIỆN ĐẠI VÀ CHUYẾN XE ĐÊM ĐẾN MANDALAY
Trên
chuyến bay, tôi vô tình làm quen được với hai anh chị người Việt ngồi kế bên
cũng đến Myanmar vào dịp Tết. Chúng tôi thảo luận sẽ bắt taxi vào trung tâm
thành phố cùng nhau và tham quan một vài điểm trước khi tách ra để đi theo hành
trình riêng. Đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Yangon, chúng tôi làm một vài
thủ tục quen thuộc như đổi tiền, mua sim điện thoại và…trả giá taxi. Sau khi
đạt được giá cả vừa lòng, 3 người chúng tôi hướng đến nhà hàng Feel Myanmar để
ăn cơm trưa. Đây là một nhà hàng khá nổi tiếng ở Yangon với các món ăn truyền
thống của Myanmar. Người dân Myanmar ăn cơm khá giống với người Việt Nam với
cơm và rất nhiều món ăn mặn để thực khách lựa chọn. Bữa ăn có giá cả khá dễ
chịu và cả 3 người chúng tôi đều thỏa mãn với chiếc bụng đã được lấp đầy.
Điểm đến tiếp theo được chúng tôi lựa chọn là chùa Chauk
Htat Gyi, nơi có pho tượng Phật nằm khổng lồ dài 65 mét và cao gần 30 mét.
Ngoài pho tượng Phật khổng lồ, tôi khá ấn tượng với khu vực “Giải nghĩa giấc
mơ” trong chùa. Nội dung giấc mơ sẽ tương ứng với lời dự đoán khác nhau. Tuy
nhiên, có vẻ là một đất nước nông nghiệp nên các giấc mơ chỉ xoay quanh việc
làm nông mà tôi thì chưa bao giờ đặt chân xuống ruộng nên chỉ có thể tham khảo
để sau này có mơ thấy mình đang… cấy lúa thì sẽ có thể tự giải nghĩa giấc mơ
cho bản thân.
Những ngọn tháp tại Shwedagon.
Đến Yangon, ai cũng không thể bỏ qua ngôi chùa vàng nổi tiếng
Shwedagon, một kiệt tác kiến trúc với hàng trăm tháp chùa lớn nhỏ với ngọn tháp
chính cao 98,9 mét được dát vàng lộng lẫy và một quả cầu kim cương trên đỉnh
ngọn tháp. Tôi đã ở lại Shwedagon để chờ hoàng hôn ở ngôi chùa được xem là đẹp
nhất Yangon và nói lời chào tạm biệt với hai người bạn đồng hành. Từ 5h chiều,
người dân Myanmar sẽ vào đây để hành lễ. Những ngọn nến bắt đầu được thắp
sáng khắp chùa Shwedagon, người dân vẫn chăm chú tụng kinh, và mặt trời từ từ
buông xuống để nhường chỗ cho màn đêm.
Tòa tháp chính của chùa Shwedagon.
Bắt taxi ra bến xe Yangon để có thể tiếp tục hành trình đến
Mandalay, tôi khá bất ngờ trước những trung tâm thương mại hiện đại bắt đầu mọc
lên ở Yangon và cả việc kẹt xe kinh hoàng ở thủ đô cho dù đã được nghe đến trước
đó. Tôi không kịp ăn gì mà chỉ leo lên xe ngủ trong khi điện thoại vẫn liên tục
vang lên các tin nhắn chúc mừng năm mới từ Việt Nam.
NGÀY
2: BÌNH MINH TUYỆT VỜI NGÀY ĐẦU NĂM MỚI VÀ CỐ ĐÔ BAGAN
Trên xe, tôi khá lo lắng về lịch trình ở Mandalay của mình. Không
có nhiều lựa chọn đi lại ở Mandalay ngoại trừ taxi để tham quan nhưng việc thuê
một chiếc taxi lại quá đắt đỏ đối với người đi du lịch một mình như tôi. Xe
càng gần đến bến, tôi càng có suy nghĩ, thôi hay là ngồi đợi ở bến xe cho đến
khi chuyến xe sắp tới của tôi đi Bagan khởi hành. Thế nhưng, việc đã đến tận
đây mà chỉ ngồi một chỗ khiến tôi không cam tâm và nghĩ đến việc… bắt xe ôm để
đi tham quan. Có vẻ hiểu được ý tôi nên một anh xe ôm người Myanmar đã tiến đến
gần và hỏi tôi cần giúp đỡ gì không. Tôi đưa ra hai nơi mình muốn đi và ngả
giá. Và việc chỉ trả 10.000 Kyats để đi đến vài địa điểm tôi muốn ở Mandalay so
với việc trả 70.000 Kyats cho taxi quả là giá hời.
Mặt trời ló dạng ở đằng xa trên cầu Ubein.
Thời tiết buổi sáng sớm những ngày cuối tháng 1 ở Mandalay đã
làm tôi phải run cầm cập khi ngồi sau lưng anh xe ôm Myanmar. Vì xe cập bến khá
sớm nên tôi không quá lo lắng về việc mình sẽ bỏ lỡ bình minh ở Ubein – cây cầu
gỗ dài nhất thế giới. Tôi đã dành ra nửa tiếng thả bộ trên chiếc cầu và được
ngắm nhìn khung cảnh bình minh rực rỡ ngày đầu năm mới. Dù đã chụp rất nhiều
bức ảnh nhưng tôi vẫn không thể nào ghi lại hình ảnh những áng mây hồng bay
lửng lờ trên bầu trời và mặt trời đỏ au từ từ mọc lên ở phía xa. Đúng là không
gì có thể ghi lại những hình ảnh tuyệt vời hơn đôi mắt của chúng ta.
Đàn quạ trên cầu Ubein.
Sau khi ăn sáng bằng món bánh chiên và trà sữa truyền thống của
người Myanmar, tôi đã đến ngôi chùa Kuthodaw với quần thể đền và các tháp nhỏ
bằng đá cẩm thạch trắng, phía trong mỗi ngọn tháp có tấm biển đá ghi chép lại
kinh Phật. Sau khi tham quan Kuthodaw, tôi nhờ anh xe ôm đưa về bến xe và
ngồi chờ xe đi Bagan. Con đường đến Bagan dài hơn 6 tiếng, xuyên qua những ngôi
làng vắng vẻ và những con đường sỏi đá gió bụi mịt mù ở Myanmar. Khí hậu lạnh
lẽo ban sáng đã nhường chỗ cho cái nắng gay gắt vào giữa trưa đến mức khi nhìn
ra ngoài cửa xe, tôi cảm tưởng những cành cây khô cằn ở bên đường đã vì cái
nắng này mà héo úa.
Đến Bagan sau một ngày mệt nhoài, điều đầu tiên tôi làm sau khi
nhận phòng là tắm rửa, đi ăn tối và ngủ một giấc mà không quên hẹn báo thức để
dậy ngắm bình minh vào sáng hôm sau.
NGÀY
3: NẾU YÊU BÌNH MINH, HÃY ĐẾN BAGAN
Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi săn bình minh ở Bagan vào 4
giờ rưỡi sáng, trên chiếc xe đạp điện được thuê gần khách sạn và tấm bản đồ
trên tay. Khung cảnh với những ngọn tháp im lìm xung quanh, chốc chốc thỉnh
thoảng lại có chiếc xe máy chạy qua, thứ tôi có thể nhìn thấy ở trước mắt chỉ
là ánh đèn phát ra từ xe đạp và bầu trời sao ở trên đỉnh đầu. Tôi đã mất nửa tiếng
mày mò để có thể đến được Shwesandaw, ngôi đền nổi tiếng nhất ở Bagan. Dù
chỉ mới 5 giờ sáng nhưng khu vực đắc địa để có thể có được những bức ảnh đẹp
nhất đã chật kín khách du lịch và nhiếp ảnh gia. Càng về sau, lượng khách du
lịch đổ về đây càng đông hơn. Chúng tôi hồi hộp ngồi chờ bình minh và tất cả
đều gần như vỡ òa khi ánh đèn chiếu sáng đền Shwesandaw được tắt đi. Đó là
lúc chúng tôi biết, à bình minh sắp đến rồi.
Khung cảnh bình minh tại vùng đất cố đô.
Từ xa, mặt trời bắt đầu mọc lên đằng sau những ngôi chùa và ngọn
tháp cổ ở cố đô Bagan. Khoảng 5 phút sau, những chiếc khinh khí cầu mới từ từ
bay lên. Tất cả mọi người, không ai bảo ai, đều im lặng ngắm nhìn khung cảnh
bình minh ở nơi ban sơ và trong trẻo. Những gì tôi có thể nghe thấy ở xung
quanh là tiếng chim hót và tiếng “tách” từ những chiếc máy chụp hình không
ngừng vang lên. Ai ai cũng muốn ghi lại khoảnh khắc này. Khoảnh khắc mà như tôi
nghĩ, đã đem lại sự bình yên trong tâm hồn cho nhiều người, trong đó có tôi.
Xe ngựa và hoa giấy là những điều có thể thấy
khắp nơi ở Bagan.
Sau khi ngắm bình minh, tôi đạp xe về khách sạn để tham gia tour
nguyên ngày vòng quanh Bagan. Khách sạn nơi tôi ở là một hostel khá hiện đại có
chủ là người phương Tây. Đến đây trú chân, bạn có thể đăng ký khá nhiều tour do
khách sạn tổ chức và tour tham quan Bagan trong một ngày thì không cần phải trả
một đồng nào, miễn là bạn có đủ sức khỏe để theo anh hướng dẫn viên đạp xe đến
khắp mọi nơi ở Bagan. Những tour du lịch như thế này rất thích hợp với những
bạn du lịch một mình như tôi khi có thể thỏa mãn việc tham quan và bạn cũng có
thể làm quen nhiều người bạn mới cũng đi du lịch một mình như bạn. Buổi chiều,
tôi dành thời gian một mình leo lên một ngôi đền bỏ hoang, chỉ với vài người
khách du lịch để ngồi đợi hoàng hôn. Tuy nhiên do đền nằm ở phía nghịch, nên
hoàng hôn Bagan đối với tôi không mấy ấn tượng. Tôi lại lững thững phóng xe về
khách sạn, tìm chỗ ăn tối và leo lên giường ngủ để chờ đợi bình minh ngày hôm
sau.
Trưa Bagan nắng rực lửa vẫn không thể cản trở
chúng tôi khám phá nơi chốn thú vị này.
NGÀY
4: HOÀNG HÔN TRÊN ĐỒI RƯỢU VANG
Tôi sẽ di chuyển đến Inle vào ngày hôm nay. Vì vẫn chưa thỏa mãn
khi chỉ được ngắm bình minh một lần, tôi lại tiếp tục dậy sớm và đuổi theo mặt
trời. Rút kinh nghiệm cho ngày hôm qua, tôi đã tìm đường đến ngôi đền La
Kaoushaung, ngôi đền mà anh hướng dẫn viên người Myanmar nói có “view” ngắm
bình minh tuyệt vời hơn đền Shwesandaw. Mặt trời hôm đó lên hơi trễ nên
tôi chỉ có thể đợi những chiếc khinh khí cầu bắt đầu bay lên là đã chạy xuống
để đạp xe về khách sạn cho kịp giờ khởi hành đi Inle.
Nằm ở vùng cao nguyên, nên con đường đến hồ Inle với tôi khá
trắc trở. Dù đường khá êm nhưng những khúc cua ngoặt lại không dễ chịu tí nào.
Một người bạn Nam Phi ngồi cùng chuyến xe với tôi cũng phải thú nhận dù đã từng
đi du lịch nhiều nơi nhưng vẫn cảm thấy hú hồn khi nhìn ra ngoài cửa kính xe
khi chỉ thấy vực sâu thăm thẳm ở ngay mép đường.
Nhấm nháp vị chát của rượu, ngồi hàn huyên
cùng bạn bè và đợi hoàng hôn rơi dần xuống ngọn đồi, liệu còn gì có thể nên thơ
hơn thế?
Tôi đến Nyangshwe, khu “downtown” vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. Mặc
cho lời dụ dỗ của tài xế tuk tuk chở tôi về khách sạn, tôi vẫn quyết tâm mướn
xe đạp khách sạn và tự mình tìm đường đạp xe lên đồi Red Mountain
Winery & Vineyard để ngắm hoàng hôn. Để có được chỗ đẹp ngồi đợi
hoàng hôn trong khi thử rượu vang, bạn nên đến Red Mountain
Winery & Vineyard. Nhấm nháp vị chát của rượu, ngồi hàn huyên
cùng bạn bè và đợi hoàng hôn rơi dần xuống ngọn đồi, liệu còn gì có thể nên thơ
hơn thế?
NGÀY
5: MỘT VÒNG HỒ INLE
Bình minh trên hồ Inle.
Cũng giống như khách sạn ở Bagan, hostel tôi chọn ở Inle cũng
rất hiện đại và cung cấp rất nhiều tour, đặc biệt là 2 tour chính ngắm bình
minh và ngắm hoàng hôn ở hồ Inle. Do thời gian giới hạn nên tôi đã chọn gói
ngắm bình minh. Với tour này, bạn sẽ được đưa đến giữa lòng hồ Inle và ngồi đợi
mặt trời trong khi được người lái thuyền phát bánh và trà sữa Myanmar nóng trên
tay. Tôi cũng được ghé tham quan chợ địa phương, những ngôi chùa, ghé thăm nơi
sản xuất xì gà, làm bạc… và đặc biệt hơn cả là được ăn cơm trưa tại ngôi nhà
trên sông của người dân địa phương và chèo chiếc thuyền nhỏ xung quanh hồ.
Căn nhà đơn độc trên hồ Inle.
Chuyến xe về lại Yangon sẽ khởi hành vào 6 giờ tối nên tôi chỉ
có thể thu dọn đồ và nhờ tuk tuk đưa ra bến xe. Trước khi rời khỏi Nyangshwe,
tôi vẫn không quên ghé thăm nhà hàng Live Dimsum House, nơi mà tôi gọi là nơi
ưa thích nhất của mình để thưởng thức các món ăn Trung Hoa ngon tuyệt vời với
giá cả phải chăng.
Chợ địa phương
NGÀY
6: TẠM BIỆT MYANMAR. HẸN NGÀY GẶP LẠI
Nắng ngày mới ở Yangon.
Tôi quay về Yangon vào lúc 4 giờ rưỡi sáng và ngồi đợi trong nhà
ga cho đến khi những tia nắng ngày mới bắt đầu ló dạng và quyết định xách máy
khám phá một vòng thủ đô Yangon. Nói là khám phá một vòng nhưng tôi chỉ loanh
quanh chùa Sule và len lỏi vào những con đường nhỏ ở thủ đô để xem cuộc sống
của người dân xung quanh. Tôi đã chọn ăn sáng ở Yangon Tea House, một quán cà
phê hiện đại với thực đơn là các món ăn truyền thống của Myanmar nhưng được chế
biến lại theo kiểu hiện đại hơn. Tôi cũng không quên ghé qua siêu thị gần đó
với sự chỉ dẫn tận tình của anh quản lý quán Yangon Tea House để mua trà sữa
Myanmar về làm quà tặng bạn bè và lại vội vã bắt xe đến sân bay trong nỗi sợ
cảnh kẹt xe kinh hoàng ở Yangon.
Đường phố Yangon.
Quả thực, trong suốt 6 ngày ở Myanmar, ngày nào cũng phải đặt
đồng hồ dậy sớm để đuổi theo mặt trời ngắm bình minh. Có di chuyển từ nơi này
sang nơi khác thì việc đầu tiên làm cũng là nhanh chóng bắt xe để kịp cảnh bình
binh, cảnh hoàng hôn. Mà lần nào thấy bình minh hay hoàng hôn cũng đều phải
thốt lên rằng trời ơi thật là một đất nước kì diệu.
Nếu đang muốn tìm lại chính mình, muốn tìm một khởi đầu tuyệt
vời cho chuyến đi du lịch một mình đầu tiên, muốn thử thách bản thân, hay đơn
giản, chỉ muốn được đi, thì hãy ghé thăm Myanmar vì đất nước này sẽ luôn làm
bạn ngạc nhiên và cho bạn đem về nhiều thứ hơn bạn mong đợi.
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Stella
Nguyễn