07-04-2019 bởi Nguyễn Thu Hằng

Kinh nghiệm du lịch tâm linh ở Quảng Ninh

Du lịch tâm linh là loại hình văn hóa lấy yếu tố tâm linh để thỏa mãn nhu cầu của con người. Hiện nay, các địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách chính là các khu thờ, các vùng đất gắn với lịch sử cùng các chùa, đền, miếu...

Và Quảng Ninh cũng trở thành điểm đến lí tưởng cho các du khách có nhu cầu đi du lịch tâm linh vì nơi đây có nhiều ngôi đền, ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng cả nước. Hôm nay mình sẽ giới thiệu một số địa điểm du lịch tâm linh để bạn tham khảo cho chuyến đi của mình.

1.Chùa Yên Tử - Uông Bí 

Xuất phát từ Hà Nội, bạn sẽ đi qua quãng đường 125km vào thành phố Uông Bí thì đi đến Vàng Danh, đi thẳng 9km, rẽ trái là tới Yên Tử. Chùa Yên Tử là điểm đến đầu tiên không thể bỏ qua và được coi là trung tâm Phật giáo của cả nước. Đây là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành và sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thời gian khám phá Yên Tử cần 1 ngày 1 đêm. Nếu bạn có sức khỏe tốt thì có thể leo từ chân núi lên đỉnh chùa Đồng còn nếu không thì có hệ thống cáp treo sẵn sàng phục vụ du khách phật tử. Cụm di tích các chùa Yên Tử với chùa Đồng ở vị trí cao nhất đỉnh núi Yên Tử.

Một số giá dịch vụ cho các bạn tham khảo như :

Giá vé cáp treo :

 Tuyến chùa Giải Oan – Hoa Yên 120.000 đồng / 1 chiều và 200.000 đồng / 2 chiều

Tuyến chùa Một Mái đến An Kỳ Sinh 120.000 đồng / 1 chiều và 200.000 đồng / 2 chiều

Cả 2 tuyến 120.000 đồng / 1 chiều và khứ hồi là 280.000 đồng / người.

Miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 70 tuổi.

Giá xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi : 10.000 đồng / lượt

Đồ ăn ( đồ ăn chay hoặc đồ ăn thường) : 40.000 – 80.000 đồng / suất

Bạn có thể đến hội xuân Yên Tử vào ngày mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đến với hội xuân, các bạn sẽ được tham gia trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, ném còn hay thưởng thức các cây hoa mai vàng Yên Tử. Ngoài ra bạn còn được tham gia vào lễ cầu quốc thái dân an tại đây.

Kết quả hình ảnh cho chùa đồng yên tử

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử

2.Chùa Lôi Âm – Hạ Long

Tiếp
tục chuyến hành trình là ngôi chùa Lôi Âm nằm ở phường Đại Yên của thành phố Hạ
Long. Chùa nằm trên dãy Lôi Âm ở độ cao 503m nên không khí trong lành và vô cùng dễ chịu. Cũng bởi nằm trên cao nên theo lệ, mỗi người khi đến đây thường mang theo một đôi gạch đổ để làm công đức, giúp xây dựng chùa. Điều đó tạo nên một nét văn hóa đặc sắc rất riêng cho ngôi chùa cổ.

Để đến được chùa Lôi Âm, bạn sẽ được ngồi một chuyến đò đi qua hồ Yên Lập vô cùng nên thơ với cảnh non xanh nước biển. Đường dẫn tới chùa còn vô cùng hoang sơ với những cây cối và bụi dứa rậm xanh ngắt hai bên đường.

Trong chùa có giếng tiên và cả suối giải oan cùng các cây đa, cây xoài hàng trăm năm tuổi. Điểm ấn tượng với du khách khi đến đây là lầu Cậu ngự dưới phiến đá tự nhiên cao 2m, rộng 8.5m cùng 14 tháp cổ mộ. Đứng ở chùa Lôi Âm, bạn có thể nhìn thấy bức tranh sơn thủy hữu tình ở hồ Yên Lập.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Chùa Lôi Âm trên đỉnh núi cao

3.Đền Cửa Ông – Cẩm Phả

Điểm đến tiếp theo là đền Cửa Ông, thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Đền cách trung tâm thành phố Hà Nội tầm 200km và cách chùa Yên Tử 75km. Ngôi đền này thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và nhiều vị tướng đời Trần.

Mấy năm gần đây thì đền đã được trùng tu rất khang trang. Đền nằm trên một ngọn núi trông ra Vịnh Bái Tử Long. Dọc hai bên đường gần cổng, du khách có thể mua được nhang, hương, đồ lễ để lên thắp hương. Ở đây cũng có nhiều quán ăn, nước uống để phật tử có thể dừng chân nghỉ ngơi. Giá đồ ăn, nước uống rất rẻ. Chỉ với 20.000 đồng là mình đã mua được 1 cốc nước mía và 1 chiếc xúc xích.

Đền có 3 khu vực chính mà bạn có thể tham quan là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Nơi đây có tới 34 bức tượng lớn nhỏ khác nhau. Kiến trúc đền Cửa Ông là kiến trúc từ thời Trần nên đậm nét cổ xưa với lối kèo, cầu, dường, trụ và được khắc các bức phù điêu, câu đối, bức trướng…

Bạn có thể tham dự lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ ngày mùng 2 tháng giêng đến hết mùa xuân. Lễ hội đền Cửa Ông gồm có lễ dâng hương và rước bài vị Trần Quốc Tảng. Mùa lễ hội thường rất đông nên bạn nên cẩn thận, tránh để đồ có giá trị trong balo mà nên cầm tay hoặc để túi trước.

Đền Cửa Ông

4.Đền Cặp Tiên – Vân Đồn

Đền Cặp Tiên (Cô Bé Cửa Suốt) chỉ cách đền Cửa Ông 2km, nằm ở chân núi Tiên, ven bờ biển Bái Tử Long, thuộc huyện Vân Đồn. Kiến trúc của đền Cặp Tiên vẫn theo lối kiến trúc cổ với ba khu chính là giếng Tiên, đền chính và động Sơn Trang. Mới năm 2018 mình đi thì đã xây thêm tam quan sừng sững hướng ra biển. Năm nào đến đây mình cũng xin quẻ vì quẻ ở đây rất linh. Đến với đền Cặp Tiên, bạn phải thử uống dòng nước mát lạnh và trong lành chảy từ giếng Tiên. Du khách đến đây còn cầm theo chai để đổ nước mang về.

Hình ảnh có liên quan

Động Sơn Trang ở đền Cặp Tiên

5.Chùa Cái Bầu – Vân Đồn

Là điểm đến cuối cùng trong chuỗi hành trình của phật tử khi tới Quảng Ninh, chùa Cái Bầu thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn và nằm cách Hà Nội 220km.


Chùa Cái Bầu

Du khách khi đến đây đều tấm tắc với địa thế lưng tựa núi và mặt hướng biển của chùa Cái Bầu. Kiến trúc truyền thống của chùa chiền Việt Nam với những mái ngói uốn cong, nền gạch đỏ vẫn được giữ nguyên ở đây.

Đến chùa Cái Bầu, nghe tiếng chuông chùa uy nghiêm trong tiếng gió biển rì rào khiến tâm hồn ta như được thanh tẩy. Tầng trên của chính điện là đền thờ Phật Thích Ca Mầu Ni, Phật Bà Quan thế Âm Bồ tát và Sư Lợi. Phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy được những con thuyền trên Vịnh Bái Tử Long lờ mờ trong sương.


Tượng Quan thế Âm hướng ra biển

Một tips nhỏ là bạn nên tham quan hết kiến trúc xung quanh chùa, leo lên chùa Đồng rồi xuống nhà ăn sẽ được phục vụ cơm chay miễn phí. Tuy là cơm chay nhưng hương vị và màu sắc không kém gì một nhà hàng nổi tiếng đâu nhé. Nhớ rửa sạch bát và dọn dẹp sau khi ăn nhé!


Món cơm chay yêu thích

*Lưu ý

Vì là chuyến tham quan đền, chùa – những nơi linh thiêng nên bạn cần tuân thủ quy tắc riêng của từng nơi

Không mặc váy ngắn, đồ hở tới chùa

Không xả rác bừa bãi

Không nói tục trong chùa

Bạn nên chuẩn bị thật chu đáo cho hành trình tham quan chùa chiền tại Quảng Ninh:

Trang phục : quần áo rộng rãi, thoải mái, không bó sát. Vì là mùa xuân nên nhớ cầm thêm áo khoác mỏng.

Các chùa, đền có nhiều bậc thang bằng đá, có cả đường mòn nên hãy chọn cho mình những đôi giày thể thao hoặc bata thoải mái. Nhiều nơi còn có dịch vụ thuê dép cho du khách.

Balo : nhỏ, gọn, đựng được ít thức ăn, nước uống

Đây là một số kinh nghiệm tham quan đền, chùa ở Quảng Ninh, hi vọng bạn sẽ có một chuyến đi du lịch tâm linh thật suôn sẻ.