12-07-2018 bởi Pham Tsuki

Ký sự một vòng quanh Kuala Lumpur – Malaysia

Hành trình của tôi trong chuyến du lịch bụi Malaysia này: Kuala Lumpur (KL) – Batu Caves – Cameron Highland – KL – Putrajaya.

Trước chuyến đi có khá nhiều chuyện xảy ra với tôi tưởng chừng
như không thể tiến hành được chuyến đi này, rồi có lúc còn định đi theo tour.
Nhưng do một phần kinh phí eo hẹp nên tôi quyết định tự thân vận động, rồi thế
mà kế hoạch cũng suôn sẻ hết. Đến giờ này đi về rồi mà tôi vẫn còn ngất ngây
với đất nước Malaysia xinh đẹp và đầy mới lạ này, thế nên tôi quyết định viết
bài chia sẻ kinh nghiệm, từng chi tiết và đường đi nước bước để mọi người nếu
có ai hứng thú một ngày nào đó muốn đi thì có thể hiểu trước được phần nào.

Hành trình của tôi trong chuyến du lịch bụi
Malaysia này: Kuala Lumpur (KL) – Batu Caves – Cameron
Highland – KL – Putrajaya. 
Bản đồ các điểm tham quan ở Kuala
Lumpur:

Các phương tiện để đến Malaysia – Kuala Lumpur

Hiện giờ có khá nhiều đường bay thẳng từ Hà
Nội/Tp.Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đến KL qua các hãng giá rẻ như AirAsia,
VietjetAir,… Tôi đi Malay khá nhiều lần và đều dùng dịch vụ của AirAsia và hài
lòng. Giá vé khứ hồi nếu không phải những đợt tung vé giá rẻ thì cũng chỉ
khoảng 3,5-4 triệu VND cho chặng Hà Nội – KL, nếu đi từ Tp. Hồ Chí Minh còn rẻ
hơn nữa. Là một nước thuộc khối Asean nên dân phượt từ Việt Nam nghiễm nhiên
được 30 ngày free Visa, nhưng bạn cần mua vé khứ hồi để tránh phiền hà khi làm
thủ tục nhập cảnh.

Ngoài ra bạn nếu bạn kết hợp chuyến đi
Malaysia với du lịch Singapore hoặc Thái Lan thì có thể đi bằng xe bus để đến
Kuala Lumpur. Bạn có thể đặt vé qua website này: 
http://www.easybook.com/ , theo hướng dẫn của hãng xe để đi đến
khu vực đón khách ở Singpore rồi chỉ việc ngồi lên xe và họ xe đưa đến tận nơi
trung tâm KL.

Đi lại ở Kuala Lumpur

Đi từ sân bay KLIA2 về trung tâm

Khi đi các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia hay VietjetAir,
máy bay sẽ đáp xuống sân bay KLIA2 cách trung tâm KL khoảng 50km. Để đi vào
trung tâm bạn có thể sử dụng Shuttle bus (xe bus trung chuyển) hoặc tàu điện.
Theo ý kiến của tôi thì bạn nên sử dụng Shuttle bus vì phương tiện này khá tiện
lợi mà giá rẻ (10RM/vé bus so với 35RM/vé tàu điện vào thành phố). (1RM ~
5,000VND).

















Sau khi làm thủ tục hải quan và lấy hành lý ký gửi bạn cứ theo
chỉ dẫn ra khu vực sảnh (đi xuống tầng 1, lưu ý là đi từ cửa máy bay đến khu
vực nhập cảnh bạn phải đi bộ một quãng đường rất dài). Ở sảnh này bạn sẽ dễ
dàng nhìn thấy các quầy bán vé xe bus vào thành phố, chỉ việc mua vé và lên
ngồi thôi. Xe bus trung chuyển này chạy gần như là liên tục cả ngày (kể cả ban
đêm vì đêm cũng có rất nhiều chuyến bay) mật độ 30’/chuyến. Sân bay KLIA2 rất
rộng nên bạn có thể dễ dàng tìm được những chỗ nghỉ ngơi nếu phải bay đêm. Điểm
cuối cùng của chuyến xe bus là KL Sentral, bạn đi lên cầu thang để vào khu
trung tâm thương mại và đón tàu điện đi những nơi khác ngay trong khu này.


Đi lại trong trung tâm Kuala Lumpur

Đi lại trong trung tâm thành phố khá đơn giản, bạn có thể sử
dụng tàu điện hoặc xe bus, taxi. Taxi thì có 3 màu để phân biệt là xanh lam
dành cho vip, đỏ và vàng là xe bình dân. Bạn nên xách định quãng đường mình đi
để có thể mặc cả cũng như tránh bị tài xế đưa lòng vòng tính thêm tiền.





Nếu đi tàu điện thì đơn giản hơn, đặc biệt với
những ai đã từng đi tàu ở Singapore hay Thái Lan.
 Giá tàu điện ở Malay rẻ lắm chứ không đắt
như Sing nên bạn cứ yên tâm mà chọn theo từng chặng mà đi. Đầu tiên bạn đến các
quầy bán vé tự động, chọn chặng muốn đi và nhét tiền vào trong máy, sau đó máy
sẽ trả bạn một miếng nhựa tròn kích thước bằng đồng xu, bạn dùng nó để đưa vào
máy cửa ga và trả lại nó khi đi ra khỏi ga tàu. Nếu chưa quen với hệ thống tàu
điện ở đây bạn nên lấy một tấm bản đồ thành phố (có rất nhiều ở sân bay) hoặc
lưu trên smartphone, luôn luôn định hướng khu trung tâm chỉ có 2 ga là KL
Sentral và KLCC (có toà tháp đôi Twin Tower nổi tiếng) để từ đó đi những nơi
khác.



Khách sạn nhà nghỉ ở Kuala Lumpur

Chi phí sinh hoạt ở Malay khá rẻ và nhà nghỉ
khách sạn cũng không phải ngoại lệ. Giá phòng ở các khu trung tâm cũng chỉ
ngang với nhà nghỉ ở Hà Nội hay Tp.Hồ Chí Minh mà tiện nghi cũng ổn. Nếu lần
đầu đến KL tôi nghĩ bạn nên chọn phòng ở khu China Town, một khu vực khá sầm uất
và an ninh cũng đảm bảo, xung quanh rất nhiều hàng quán để lựa chọn. Để đặt
phòng bạn có thể book qua các website đặt phòng trực tuyến như 
Booking.com hay Agoda.

Nếu bạn nào yêu thích nhiếp ảnh, chịu bỏ tiền
thêm chút xíu nữa có thể chọn khách sạn đắt hơn là 
Khách sạn Regalia mà tôi đã từng ở. Khách sạn này có một
khu căn hộ cho thuê, phòng view ra toà tháp đôi Twin Tower, buổi tối ngắm rất
đẹp. Ngoài ra trên tầng thượng của khách sạn này còn có một bể bơi dành cho
khách đặt phòng ở đây, vừa tắm vừa ngắm toàn cảnh Kuala Lumpur, còn gì thú vị
hơn, và cảm giác cũng không kém nhiều so với ở khách sạn 
Marina Bay Sand nổi tiếng của
Singapore
.

 









Ngoài ra bạn có thể ở khách sạn này với chi
phí tiết kiệm hơn bằng các sử dụng dịch vụ ở nhờ có trả phí 
AirBnb, bởi có khá nhiều người họ thuê cả tháng ở đây và hay đi công
tác nên còn trống phòng cho thuê. Một phòng tiêu chuẩn ở đây rất rộng, khoảng
80-100m2 đầy đủ tiện nghi, không kém gì một căn hộ hạng
sang, ngay bên dưới là khu mua sắm sầm uất và khá gần với ga tàu điện ngầm. Bạn
có thể xem bức hình tôi chụp từ cửa sổ phòng khách sạn này:


Hành trình chuyến đi du lịch bụi Malaysia –
Kuala Lumpur

Ngày 1: KL – Batu Caves





Ngày đầu tiên chúng tôi ở tại Hotel China Town Inn nằm tại khu China Town. Để về khách sạn này thì có thể đi
taxi hoặc từ KL Sentral đi LRT về Pasar Seni Station. Mặc cả với taxi
thì họ đưa giá 20RM, cuối cùng tôi quyết định lên tầng 2 của KL Sentral mua vé
LRT hết có 1RM/người. Từ KL Sentral chỉ
mất vài phút là đến Pasar Seni, 
từ trạm Pasar Seni về khu
China town mất khoảng 5-10 phút đi bộ. Trên đường đi có thể nhìn ra từ Pasar
Seni Station, bên cạnh dòng sông là một dãy tường được vẽ Graffiti rất là đẹp và
ấn tượng.


Khách sạn tôi ở nằm trong khu China Town,
đường Jalan Petaling, đoạn đường này được trăng đèn lồng và nằm dọc hai bên
đường là 1 loạt hàng quán bán đủ thứ đồ quần áo, phụ kiện made in China, đặc
biệt buổi tối có chợ đêm rất nhộn nhịp.

Về đến khách sạn là tầm gần 11h trưa, nhận
phòng xong tôi phải xách vali lên tận tầng 5 vì hotel này lại ko có thang
máy. 
Sau khi ăn xong bữa
trưa chúng tôi đường ra trạm Puduraya Bus Station để
mua vé đi Cameron Highland cho ngày hôm
sau. Station này cách khách sạn khoảng 5 phút đi bộ thôi nhưng tôi đi lòng vòng
tiện thể khám phá đường phố KL luôn. Trên đường gặp khá nhiều quán cơm
kiểu Ấn, vô ăn thấy cũng khá ổn, đặc biệt là món cơm rang, rồi món Mee Goreng
(mì) và Nasi goreng, giá cơm là 6.5RM, mì là 3.5RM.

Sau khi mua được vé đi Cameron (mua tại tầng 3
của Puduraya bus station) với giá 35RM/người/chiều, chúng tôi đi bộ đến trạm
Masjid Jamek LRT station mất khoảng 15 phút để mua vé KTM đi động Batu. Vé bán ở quầy giá 1RM/người/chiều, chẳng hiểu sao
họ lại không cho mua vé khứ hồi, thế là đành mua vé về tại trạm Batu giá
2RM/người.

Vé KTM không phải là miếng nhựa xanh kia nữa
mà là thẻ giống như ATM màu đỏ, cũng dùng quẹt để ra cửa, sau đó nhớ giữ
lại để lúc đến trạm cuối thì dùng nó để ra ngoài.

Đoạn đường vào động Batu có rất nhiều chim bồ
câu. Bên ngoài cửa động có tượng thần Subramaniam (Chúa tể Murugan). Đây
là vị thần quyền lực nhất của Đạo Hindu, tượng cao 42,7m sơn nhũ vàng, đứng uy
nghiêm. Bên ngoài có sạp hàng bán các loại bánh kẹo rất đa dạng.

Ngày 2: Cameron Highland

Sáng hôm sau chúng tôi khởi hành đi Cameron
Highland
 từ trạm Puduraya. Buổi sáng mở màn bằng bữa dimsum khá ngon
tại quán Platinum China town, mỗi đĩa tôi nhớ không nhầm là 3RM nhưng ăn no
căng bụng. 

Từ KL đến Cameron mất khoảng 4 tiếng xe bus,
tôi mua vé xe Unititi Express giá 35RM/người/chuyến chạy từ Puduraya bus
station, Platform 14, khởi hành lúc 8h đến Cameron mất khoảng 2h đồng hồ. Tại
Cameron tôi ở
Eight Mentigi Guest House trong thị trấn Tanah Rata,
một nơi rất yên bình và thoáng mát cùng đội ngũ nhân viên thân thiện và tốt
bụng. Điều duy nhất là ở Cao nguyên Cameron khá lạnh mà phòng thì nước tắm ko
ấm lắm.

Từ trạm bus về đây chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ
do rất gần khu trung tâm. Nhân viên Guesthouse còn cho người mang ô tô ra tận
bến bus để đưa chúng tôi về nhà khách. Từ đây đi lên khu Binchang để đi chợ đêm
mất khoảng 6 cây, đi bằng taxi mất 12RM. Ngoài ra ở đây bạn có thể mua Half-day
tour với giá 25RM/ người trong vòng 4-5 tiếng bao gồm các địa điểm như đền
Trung Hoa, BOH tea farm, vườn bướm, vườn dâu tây, bee farm, Rose Garden. Sau
khi kết thúc tour thì bảo tài xế thả mình ở Binchang để đi chợ đêm.



















Half-day tour bắt đầu bằng chuyến đi đến 1
ngôi đến của người Trung Hoa, sau đó cả đoàn đến vườn chè BOH. Mặc dù lúc
đi đường rất tắc và lại có mưa lớn nữa nhưng may thay đến nơi thì tạnh mưa.
Không khí ở đây rất trong lành mát mẻ và bạt ngàn chè. Cây chè ở đây thấp hơn
so với ở Mộc Châu mình, đồi chè không được bằng phẳng như Mộc Châu mà nhấp nhô
nhấp nhô khá lạ mắt. Lúc này trời đã ngớt mưa và hửng nắng và cao nguyên chè
trở nên rộng mênh mông vô tận và hút mắt khách du lịch.





Sau khi kết thúc chuyến đi đồi chè chúng tôi
lại tới Rose Garden. Vé vào cổng là 4RM/ người, khu vườn này khá
nhỏ nhưng trồng nhiều loại hoa. Sau vườn hồng tôi đến với vườn dâu tây Big
Red Farm, muốn được tự tay vặt dâu tây thì phải đăng kí. Bạn có thể vào vườn
vặt hoa quả tuỳ ý để khi ra sẽ bị tính tiền. Nếu bạn không đăng ký mà vẫn vặt
hoa quả thì sẽ bị phạt gấp đôi đấy.

Vì hôm trước đã mua vé khứ hồi chiều về là 4h
chiều, nhưng mà do cái half-day tour đi cũng được gần hết địa điểm nổi tiếng
của Cameron rồi, nên chúng tôi đành ngậm ngùi bỏ thêm tiền nhờ chủ khách sạn
đặt mua cho vé mới để sáng hôm sau 8h chạy về KL. Sáng hôm sau tôi dùng bữa tại
nhà hàng mang phong cách Ấn Restoran Bunga Suria, ngay
cạnh bờ sông và bến bus chỉ tiếc là hơi nắng.





Ngày 3: Twin Tower


Hai ngày cuối cùng tại Kuala Lumpur chúng tôi
quyết định sẽ ở khách sạn đẹp đẹp một chút. Khách sạn 
Pudu Sentral Hotel này khá đầy đủ tiện nghi, giá tầm
1tr8VND/2 đêm cả thuế và phí đã bao gồm buffet sáng. Từ Puduraya bắt
taxi về khách sạn, lúc đầu gặp cò taxi họ đòi 20RM đắt quá đành đi bộ, nhưng
càng đi càng xa may quá cuối cùng chui bừa vào một taxi trên đường. Tài xế là
người Ấn rất tốt bụng, chỉ bảo tận tình cho khách mà giá chỉ có 6RM. 

Sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi, chúng tôi
quyết định đi tham quan biểu tượng của Kuala Lumpur là tòa tháp đôi Petronas Twin Tower và
KL Tower rồi đi bộ tiện thể ngắm phố phường luôn. Cảm nhận chung về con người
Malaysia là họ rất thân thiện và tốt bụng, hỏi đường họ lúc nào cũng chỉ dẫn
tận tình. Trước khi đến tháp đôi chúng tôi còn ghé thăm Aquarina, một nơi
giống như viện hải dương học, vé vào cửa là 50RM nhưng rất đáng giá.

Sau khi đến Twin Tower ngắm nghía và chụp
choẹt, chúng tôi vào khu mua sắm quanh đó. Đây là khu trung tâm nên có rất
nhiều hãng thời trang nổi tiếng ở đây, lớn nhất vẫn là H&M và Zara. Do
lúc vào đây cũng muộn muộn rồi nên không có thời gian ngắm nghía nhiều. Sau đó
tôi đến khu thiên đường ăn uống Jalan Alor với đủ loại món ăn mà
hoa cả mắt. Cuối cùng tạt vào quán đồ ăn Thái gọi một đĩa xôi xoài, nộm, mì…canh
hải sản gì đó, ăn rất đã chỉ có điều là cay quá. 

Ngày 4+5: Medaka và Putrajaya









Khách sạn Pudu Sentral này tôi đặt có bao
gồm bữa sáng nhưng thực đơn khá nghèo nàn, nhưng nghĩ lại thì vẫn ngon chán so
với cái phòng mà tôi từng ở 
Singapore. Bữa sáng chỉ có 2 lát bánh mỳ khô và một quả
trứng gà công nghiệp, nghĩ lại mà thấy sao bên Sing ăn uống khổ sở như vậy,
trong khi từ Thái đến Mã du lịch ăn uống thả phanh mà rẻ vô cùng.



Sau khi ăn sáng xong chúng tôi bắt taxi
đi Medaka Square hết 20RM, hóa ra quảng trường này
nằm ngày cạnh cái trạm Masjid hôm trước mà ko biết. Tôi rất may mắn khi đến đây đúng lúc họ làm lễ kéo cờ với nhạc
và kèn trống tưng bừng. Nghe nói rằng đây chính là cột cờ cao nhất thế
giới. Từ quảng trường nhìn sang bên đường chính là một dãy bảo tàng rất
dài trong đó có Bảo tàng Tơ lụa là miễn phí vào cửa. Chúng tôi 
quyết
định vào KL City Gallery với biểu tượng I love Kuala Lumpur, rồi
đến vườn lan trong khuôn viên này.

Sáng hôm sau chúng tôi bắt taxi đi ra sân bay,
trên đường đi ghé qua Putrajaya. Đây là một công trình rất vĩ đại
của người Malaysia, nơi được coi là 
thủ đô hành chính của liên bang Malaysia. Người ta
gọi Putrajaya là thành phố Resort, không phải ở đây có nhiều resort mà đó
là thành phố duy nhất trên thế giới xây dựng theo tiêu chuẩn Resort. Nhà ở chỉ
chiếm một khoảng diện tích nhỏ còn lại là khu hành chính, hồ nước, cây xanh. Để
vào được đây thì ai cũng phải mặc một bộ áo choàng màu hồng, chúng tôi tham
quan khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi tiếp tục đi ra sân bay trở về Hà Nội, kết thúc
chuyến đi đầy cảm xúc và niềm vui.





 

travelpx