18-06-2019 bởi Cam Tuyết Nhu

Bản Lìm Mông ngất ngây với vẻ đẹp đắm say lòng người

Vùng đất Yên Bái không những được biết đến bởi nền văn hóa đậm nét dân tộc ở vùng cao mà còn bởi nét đẹp hoang sơ hữu tình ở Bản Lìm Mông. Nằm ẩn mình dưới chân đèo Khau Phạ, Bản Lìm Mông tự tin tỏa nắng cùng đất trời.

Bản Lìm Mông - Mù Cang Chải đẹp tuyệt vời 

Những ai ghé thăm vùng đất Mù Cang Chải đều không khỏi xao xuyến bởi sự thanh bình và vẻ đẹp mê hồn của bản Lìm Mông. Là một địa điểm du lịch khá thân thuộc đối với những phượt thủ, Bản Lìm Mông nằm thuộc xã Cao Phạ, tỉnh Yên Bái. 

Vẻ đẹp nên thơ ở Bản Lìm Mông (Ảnh: Nhật Tân)

Bản Lìm Mông là một trong những nơi có cánh đồng lúa đẹp nhất Mù Cang Chải. Vì vậy, để bắt trọn khoảnh khắc của mùa lúa chín, của những cánh đồng vàng ươm, mùi lúa chín, nhiều du khách đã không ngại khó khăn mà ghi lại những bức tranh đẹp hiếm có. Đứng nhìn từ đèo Khau Phạ, con đường như sợi chỉ mỏng dắt thẳng lên trời. Nổi bật hơn cả là từng lớp lúa tạo nên vô vàn màu sắc tươi đẹp quyến rũ lòng người.

Thời điểm nào thích hợp để du lịch Bản Lìm Mông?

Tùy theo mùa mà có ba thời điểm mà Bản Lìm Mông thu hút khách du lịch nhiều nhất, đó là:

Tháng 5 - 6: Ruộng bậc thang mùa nước đổ lung linh phản chiếu lại ánh nắng tạo nên hàng ngàn bức gương soi kì ảo.

Bản Lìm Mông - Tú Lệ (Ảnh: Toàn Thắng)

Tháng 9 - 10: Đây là thời điểm mà mùa lúa chín rộ. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng với màu sắc tuyệt đẹp vàng óng cả đất trời. Khung cảnh thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang của vùng Tây Bắc có lẽ sẽ làm chúng ta bồi hồi, nhớ mãi không quên.

Bản Lìm Mông mùa lúa chín (Ảnh: Nhật Tân)

Tháng 9 - 11: Thời tiết Yên Bái lúc này vô cùng mát mẻ, là dấu chấm cho mùa mưa của ở vùng cao.

Tháng 12 - tháng 1 năm sau: là thời điểm thích hợp để tắm suối nước nóng giữa tiết trời giá lạnh của mùa đông.

Những nét đặc sắc ở Bản Lìm Mông

Ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời từ đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo cao nhất vùng núi Tây Bắc với độ cao hơn 1.200 m. Những cung đường đèo vẫn còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ. Bởi thật không ngoa khi nói đèo Khau Phạ có cung đường hùng vỹ nhất nhì xứ Tây Bắc. Ngắm mặt trời mọc ở đây quả thực là một sáng kiến tuyệt vời. Khi mà những tia nắng ban mai dần đan xen những nhánh lúa chín vàng ươm cả vùng đồi núi tạo nên cảnh sắc tuyệt diệu đến khó tả.

Đèo Khau Phạ (Ảnh: Nhật Tân)

Cảnh đẹp hùng vỹ tại Bản Lìm Mông (Ảnh: Nhật Tân)

Tham gia lễ hội dù lượn

"Bay trên mùa vàng" được tổ chức bởi Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội, diễn ra trên đèo Khau Phạ, quy tụ không ít những người đam mê độ cao, đam mê mạo hiểm tham dự. Tháng 9 hằng năm là thời điểm tuyệt vời cho những cánh dù tung tăng bay lượn giữa bầu trời khám phá vẻ đẹp của bản làng. Chắc chắn rằng bạn sẽ rất thích thú, tận hưởng cảm giác được thả tự do lơ lửng giữa những cánh đồng lúa đa sắc màu, giữa những ngôi nhà sàn nhỏ nhắn xinh xinh. Bạn sẽ không cưỡng lại được những cảm xúc hân hoan, sung sướng và phấn khích. Ắt hẳn, đây sẽ là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời bạn.


Cảm giác thật tuyệt vời khi lượn lờ giữa không trung (Ảnh: Phạm Duy Thanh)


"Bay cùng mùa vàng" là nơi hội tụ nhiều cao thủ dù lượn (Ảnh: Vietwings)

Nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông

Người dân nơi đây với nét hiền hậu, chất phác. Niềm vui của những đứa trẻ vùng thôn quê là được nô đùa với chiếc xe bằng gỗ cùng chúng bạn. Những nụ cười mộc mạc ấy cùng với khung cảnh núi non thơ mộng đã tạo nên một Bản Lìm Mông rất riêng rất thanh bình.

Nam thanh nữ tú dân tộc Mông vui vẻ gieo mạ chuẩn bị cho mùa lúa mới (Ảnh: Nguyễn Minh Sử)

Nhắc đến người Mông, chúng ta phải nhắc đến những điệu hò đối đáp của họ với những trang phục đầy sắc màu mới lạ. Người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gồm bốn tộc người: Mông Đen, Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ là tạo nên nét văn hóa độc đáo ở nơi đây. 

Hàng năm cứ vào ngày 30 Tết, người Mông dùng một tập giấy bản đóng vào vách và sau đó dùng tiết gà chấm lên, như vậy sẽ đem lại sự may mắn và sung túc quanh năm. Theo quan niệm của người Mông, việc thờ thần là thể hiện cho sự giàu sang phú quý của chính gia chủ. Đắm mình trong những điệu múa, những lễ hội của người Mông trước Tết nguyên đán một tháng, bạn sẽ được hòa mình vào các hoạt động đặc sắc như: ném pao, đua ngựa, gầu Tào... vô cùng thú vị. 

Đường vào Bản Lìm Mông?

Để tìm đường vào Bản Lìm Mông, trước tiên du khách phải băng qua bản làng của dân tộc Thái. Nằm gần suối Nậm Có, những ngôi nhà sàn Thái nằm rải rác hai bên vệ đường. Khi bạn tới đoạn bê tông hóa, những ngôi nhà ngày càng san sát nhau hơn.

Đoạn đường lát bê tông ở Bản Lìm Thái (Ảnh: Nhật Tân)

Nhưng ở đầu bên kia con suối, đường đi lên bản Lìm Mông vẫn chưa được cải tạo, còn nguyên vẹn con đường đất đỏ nguyên sơ, gây không ít khó khăn cho những ai muốn vượt qua. Những góc cua uốn lượn dốc, khiến chiếc xe máy của bạn như ghì xuống, cảm giác như muốn trôi tuột lại phía chân dốc. Với con đường này, thách thức đáng sợ hơn nữa là vào những ngày mưa bão, xe không thể qua nổi vì sự trơn trượt của đất đỏ mềm. Băng qua con đường gồ ghề này, bạn sẽ phải dắt xe đi bộ vượt lên con dốc thoai thoải chừng 4km nữa sẽ tới Bản Lìm Mông.

Bản Lìm Mông với cuộc sống thanh bình đã và đang thu hút nhiều phượt thủ đến khám phá và trải nghiệm. Bạn nên một lần du lịch Bản Lìm Mông để tận hưởng những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời ở đây, hòa mình vào nền văn hóa độc đáo của Mông và thư giãn quên đi bao bộn bề cuộc sống.