03-03-2023 bởi La Uyển Hoa

Có một Côn Đảo thật hoang sơ và bình dị

Côn Đảo (còn gọi là Đảo Côn Sơn) là một quần đảo cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185 km. Côn Đảo được biết đến là thiên đường nghỉ dưỡng, là điểm phượt lý thú, và cũng là một chốn tâm linh, về nguồn mà nhiều du khách ghé đến.

Đi Côn Đảo mùa nào?


Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời gian đẹp nhất để khám phá Côn Đảo. Biển êm, gió nhẹ, sóng gợn lăn tăn, rất là chill luôn. Khoảng tháng 7 - tháng 9 là mùa sinh sản của rùa biển, nếu may mắn có thể thấy được rùa đẻ trứng khi đi các tour đảo lân cận.

Phương tiện di chuyển:

  • Máy bay là phương tiện nhanh nhất và tiện nhất, hiện nay có hãng Vasco (công ty con của Vietnam Airlines) và Bamboo Airways khai thác. 

  • Nếu bạn không ngại đi tàu biển để tiết kiệm thì có thể chọn tàu cao tốc Superdong, tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo (đi 2h30); tàu Mai Linh Express, tuyến Cần Thơ - Côn Đảo (đi 4h); hoặc tàu Côn Đảo Express, tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo (đi 4h).

**Dù bạn đi tàu hay máy bay thì cảng tàu và sân bay đều cách thị trấn trung tâm khoảng 15km cả nhé. Theo mình nếu bạn là người dễ say sóng thì không nên đi tàu vào mùa gió chướng (khoảng tháng 10 - tháng 3) ở Côn Đảo, lúc này biển động và sóng to lắm, chưa kể là nhiều khi tàu phải hủy chạy nữa.


Lịch trình 3 ngày khám phá Côn Đảo:


Côn Đảo không lớn lắm nên bạn có thể thuê xe máy chạy vòng quanh toàn bộ đảo rất dễ dàng:


Ngày 1:


♦️ 8h: xuất phát từ Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) để đi Côn Đảo. Mình đặt vé trung chuyển từ Sóc Trăng ra cảng tàu và từ cảng tàu đến thị trấn Côn Đảo cả 2 chiều của Superdong luôn cho tiện.

♦️ 10h30: Đến Cảng Bến Đầm, đi xe trung chuyển vào thị trấn. Nhận phòng, nghỉ ngơi, ăn trưa.



Cảng Bến Đầm - nơi hoạt động của các tàu thuyền



♦️ 13h: Tham quan Hệ thống nhà tù Côn Đảo, còn có cái tên là "Địa ngục trần gian" từ năm 1862 đến 1975, là điểm hẹn về nguồn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tham quan những trại tù này chắc hẳn không ai không rùng mình khi tận mắt chứng kiến những căn phòng nóng bức và ngột ngạt với những hình thức lao động khổ sai, với những công cụ tra tấn rùng rợn nhất, phi nhân tính nhất.



Trại Phú Hải - là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo



Trại Phú Tường - nổi tiếng với khu biệt lập “Chuồng cọp Pháp”



Trại Phú Bình - còn gọi là “Chuồng cọp kiểu Mỹ”


♦️ 16h: Chạy dọc đường Cỏ Ống. Cuối đường là Bãi Đầm Trầu, một bãi biển lặng sóng, nằm sát sân bay Côn Đảo, cách trung tâm đảo khoảng 15 km.



Bãi Đầm Trầu


♦️ 18h30: Về lại đảo chính ăn tối, nghỉ ngơi.

♦️ 22h: Ra Nghĩa trang Hàng Dương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất Côn Đảo, nơi an nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có mộ chị Võ Thị Sáu. Đêm xuống, rất đông du khách đến thăm viếng, cầu nguyện. Vì mình đi ban đêm, lại đến chốn tâm linh nên không có dám chụp hình hihi.



Ngày 2:


♦️ 7h: Ra bãi biển An Hải - trung tâm của thị trấn Côn Đảo, nổi tiếng với Cầu Tàu Lịch Sử 914. Đây là chứng nhân lịch sử về sự lao động khổ sai và hy sinh xương máu của rất nhiều chiến sĩ. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu.



Cầu tàu 914

♦️ 9h: Ghé Miếu Bà Phi Yến (An Sơn Miếu) - thờ Bà Phi Yến – vợ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Trên đường có đi qua Hồ sen An Hải khá là rộng, nhưng do thời điểm mình đi (tháng 2) đã qua mùa sen nên cũng hơi hoang tàn.



An Sơn Miếu - Miếu Bà Phi Yến


♦️ 10h: Ghé tham quan Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) là ngôi chùa duy nhất trên đảo, được xây từ năm 1964, chùa nằm trên núi cao với tầm nhìn ra 4 phía là rừng xanh.



Vân Sơn Tự tọa lạc trên ngọn Núi Một


♦️ 13h: Đến Vườn Quốc gia Côn Đảo, trải nghiệm đi xuyên rừng nguyên sinh, theo con đường mòn cũng khá dễ đi. Sau khoảng 1 giờ đi bộ, dọc 2 bên là rừng nguyên sinh rất mát mẻ, bạn sẽ đến được một bãi biển hoang sơ ở cuối rừng là Bãi Ông Đụng. Điểm đặc biệt ở đây là toàn bộ bãi biển được lấp đầy với vô vàn những viên đá to nhỏ, hình thù đa dạng.



Bãi Ông Đụng - nằm trong vườn quốc gia Côn Đảo


Chiều về lại trung tâm thị trấn tắm biển, ở đây có bãi cát trắng mịn, biển lặng sóng, nên đông người địa phương đến tắm.



Ngày 3:

Sáng ngắm mặt trời mọc. Dành cả buổi sáng nhẹ nhàng ở khu trung tâm đảo.



Bình minh ở Côn Đảo mang một vẻ đẹp trong trẻo và tuyệt mỹ


♦️ 12h: Đi xe trung chuyển ra Cảng Bến Đầm.


Đường ven biển ra Bến Đầm



Bãi Nhát, mũi Cá Mập là một bãi biển hoang sơ, nước biển xanh trong vắt.

♦️ 13h-15h30: Đi tàu Superdong về lại Sóc Trăng. Kết thúc chuyến đi ở Côn Đảo.


Chuyện ngoài lề: Mình xin kể chút xíu về trải nghiệm đi tàu biển của mình, lúc đi thì mình may mắn gặp biển lặng nên mình cứ tưởng là không bị say sóng. Nên chuyến về mình cũng ỷ y, không uống thuốc trước gì cả, không ngờ hôm đó lại trúng biển động, một trải nghiệm thật kinh khủng, lúc đó mình mới hiểu cảm giác say sóng nó tệ đến mức nào, như chơi trò chơi cảm giác mạnh suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Tàu lắc lư liên tục, có nhiều lúc cảm giác tàu như lật ngang 90 độ. Và không chỉ mình, rất nhiều hành khách khác ói liên tục trong suốt 2 tiếng rưỡi đó. Có một điểm cộng rất hay là các bạn nhân viên trên tàu có vẻ như đã biết trước và quá quen việc này nên chuẩn bị sẵn túi ói và giấy vệ sinh, thấy ai có biểu hiện là các bạn ấy chạy đến liền để hỗ trợ kịp thời. Cho nên nói tóm lại thì mình vẫn khuyên bạn nào sức khỏe yếu thì không nên đi tàu vào mùa biển động nha, đi mệt rồi lại ảnh hưởng tâm trạng thì chơi không vui nữa nè.



Kết luận

Côn Đảo vẫn còn đó hàng loạt chứng tích minh chứng cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử. Và nơi “địa ngục trần gian” ấy giờ đây khoác lên lại một sự yên bình và êm đềm như chưa có gì từng xảy ra. Côn Đảo bây giờ đã trở thành một “thiên đường trần gian” khiến cho nhiều người mê mẩn.


La Uyển Hoa