23-02-2019 bởi Minh Hạnh

Đèo Pha Đin huyền thoại - nơi đất trời gặp gỡ

Đèo Pha Đin được biết đến với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng đầy thơ mộng, là nơi gặp giữa đất và trời. Đến Pha Đin ngắm nhìn gió và mây bồng bềnh đi qua ngọn núi, thử thách vượt qua cung đèo dốc là trải nghiệm thú vị khó quên.

1. Đèo Pha Đin ở đâu?

Đèo Pha Đin có tên gọi khác là Dốc Pha Đin, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 100km, nằm trên độ cao 1.000m, điểm cao nhất của đèo có độ cao 1.648m so với mực nước biển, chiều dài khoảng 32km. Địa thế của đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là dốc có độ dốc lớn, từ 12 -19% và một bên là vực sâu hun hút, nhiều đoạn uốn khúc hình số 8. Có lẽ vì thế, Pha Đin được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Tây Bắc và được xếp vào những con đèo ấn tượng nhất Việt Nam.

Những cung đường dốc, ngoằn ngoèo với sương giăng kín

Đèo thuộc quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên và là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh này. Cho đến nay, câu chuyện về cuộc đua ngựa vượt Dốc Pha Đin để phân chia ranh giới Lai Châu (sau tách thành Lai Châu - Điện Biên) và Sơn La vẫn được người dân nơi đây lưu truyền. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đồng thời xuất phát từ dốc đèo cùng với ý chí và sức mạnh, nơi họ gặp nhau trên đèo cũng chính là ranh giới ngày nay. 

2. Đường đến Đèo Pha Đin

Từ Hà Nội, ta phải đi dọc quốc lộ 6, qua Hòa Bình, Sơn La tới lòng chảo Điện Biên, nơi ghi dấu lịch sử với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954. Tuy nhiên con đường này nổi tiếng hiểm trở, có khoảng 125 khúc cua, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Đường này phù hợp cho người dân bản địa hoặc những người ưa mạo hiểm, thích chinh phục và khám phá.

Để an toàn hơn, du khách có thể đi theo đường Đèo Pha Đin mới được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ. Đường này có độ dài ngắn hơn, đỡ dốc, ít khúc cua hơn và đặc biệt là rộng gấp đôi đường cũ.

Nếu xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ phải đi dọc theo quốc lộ 279 hướng đi huyện Tuần Giáo

3. Khám phá vẻ đẹp của Đèo Pha Đin

Đến đèo Pha Đin dù theo cung đường nào, du khách cũng được mãn nhãn và đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đầy ngoạn mục nhưng cũng thật thơ mộng, lãng mạn. Những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu nhìn như những sợi dây thừng nối giữa các ngọn núi, mây trời thì bồng bềnh, sương mù giăng kín tạo nên khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ.

Đèo Pha Đin nhìn từ xa trông thơ mộng như một bức tranh

Vẻ đẹp của thiên nhiên, của sức sống luôn hiện hữu trên mọi cung đèo. Ngay từ chân đèo, những bản làng mộc mạc nằm yên bình giữa thung lũng xanh ngát, thơ mộng cũng đủ để ta mê mẩn. Những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, H'Mông thấp thoáng, ẩn hiện trong núi rừng. Xa xa là những guồng quay đang lấy nước từ các con sông, con suối để tưới tiêu cho cánh đồng. Tất cả tạo nên khung cảnh ngập tràn sức sống nhưng vẫn nguyên sơ, gần gũi. Lên cao hơn nữa, ta có thể bắt gặp những thảm cây rừng bảng lảng trong sương, đâu đó là hoa đào, hoa mận e ấp tô điểm hay là những chấm đỏ, chấm tím của hoa gạo, hoa sim. Những bản làng dần khuất xa, chỉ còn thấy một vài mái nhà nhấp nhô rồi dần dần nhường chỗ cho màu trời xanh thẳm và núi rừng như đang hòa vào làm một.

Hoa mận, hoa đào tô điểm cho những cung đường

Lên đến đỉnh đèo cũng là lúc cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, thu vào tầm mắt là không gian mênh mông của đất trời, là những tầng mây bồng bềnh, núi đồi trùng điệp, là cái lạnh vùng cao quấn quýt và những cơn gió rít nhẹ bên tai. Theo cách gọi của người Thái thì Đèo Pha Đin là "Phạ Đin", Phạ là trời, Đin là đất, nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời. Đúng như cái tên ấy, ở đỉnh Đèo Pha Đin đất và trời như gặp nhau, không còn ranh giới. 


Cặp đôi chụp ảnh cưới trong khung cảnh thơ mộng của Đèo Pha Đin

Vẻ đẹp nơi đây thực sự sinh động. Với từng khoảng thời gian trong ngày, Đèo Pha Đin lại mang một dáng vẻ khác nhau. Ở độ cao 1.000m, vào sáng sớm tất cả là một bức tranh huyền ảo được bao phủ trong sương mù, không khí se lạnh và gió mát. Đến gần trưa, sương mù tan dần, bầu trời trong xanh, có thể nhìn thấy những áng mây nhẹ nhàng lướt qua ngọn núi. Cảnh vật như khoác lên màu của nắng trông càng tươi tắn và tràn đầy sức sống. Buổi chiều cũng là lúc những ánh hoàng hôn buông xuống nhuốm màu lãng mạn, thơ mộng lên cảnh vật, mọi thứ xung quanh đều đẹp đẽ và nên thơ hơn. Dừng lại một chút trên đỉnh đèo, ngắm nhìn hoàng hôn và mặt trời đỏ rực dần khuất sau ngọn núi là khung cảnh không thể bỏ qua.

Khung cảnh hoàng hôn huyền ảo, lãng mạn

Dù trong bất kì thời gian nào, ta vẫn sẽ có những phút giây bình yên đến lạ kì, tự do tự tại tận hưởng cảnh vật, mây trời và những làn gió khẽ luồn qua mái tóc.

4. Những điểm dừng chân khi đến Đèo Pha Đin

Sau khi khám phá những cung đèo hiểm trở, hãy cùng vui chơi và tham quan những địa điểm thú vị gần Đèo Pha Đin nhé!

  • Pha Đin Pass

Pha Đin Pass là địa điểm dừng chân lý tưởng khi đến đỉnh Đèo Pha Đin, do hợp tác xã Pha Đin Pass, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xây dựng với diện tích khoảng 50 ha và bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Đây là khu du lịch với nhiều không gian cho du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh, vui chơi và ăn uống. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến đây là những cánh đồng hoa bát ngát và ngọn đồi chong chóng rực rỡ sắc màu.


Các bạn trẻ cùng nhau lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất tại đồi chong chóng



Cánh đồng hoa rực rỡ dưới ánh hoàng hôn

Pha Đin Pass đi vào hoạt động chưa lâu nhưng luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa. Nét thu hút của khu du lịch được tạo nên không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi những món ăn ngon mang đậm hương vị Tây Bắc và những hoạt động vui chơi, những cuộc thi, giao lưu văn nghệ giúp du khách tìm hiểu văn hóa và con người nơi đây.

  • Thung lũng hoa tam giác mạch

Điểm du lịch trồng hoa tam giác mạch thuộc sở hữu của gia đình bà Bùi Thị Lục, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La và nằm tại Km 363 + 300 đỉnh Đèo Pha Đin. Cánh đồng hoa có diện tích khoảng 2 ha và hoạt động chính thức từ tháng 10/2016. Ở đây chủ yếu trồng hoa tam giác mạch - loài hoa đặc trưng của Tây Bắc. Ngoài tam giác mạch, gia đình bà Lục còn cho trồng thêm một số loài hoa như hoa cánh bướm, hoa hồng ri, hoa cúc, hoa hướng dương... phù hợp với từng mùa. Giữa những sườn núi, các loài hoa rực rỡ vươn mình đua nở tạo nên bức tranh tạo nên bức tranh đầy màu sắc, là nét chấm phá đặc biệt cho núi rừng nơi đây. 

Tam giác mạch khoe sắc thắm giữa núi rừng Tây Bắc