31-05-2019 bởi Cam Tuyết Nhu

Du lịch Bảo tàng không gian văn hóa Mường

Bảo tàng không gian văn hóa Mường là bảo tàng đầu tiên tái hiện lại nền văn hóa của dân tộc Mường có bề dày truyền thống lâu đời. Đây là một điểm du lịch hấp dẫn, nhất định bạn phải ghé khi khám phá Hòa Bình.

Trái với suy nghĩ của nhiều người,  Bảo tàng không gian văn hóa Mường không những không khô khan mà còn rất thú vị. Đặc biệt, bảo tàng còn tò mò hơn đối với những ai yêu thích tìm hiểu về văn hóa - lối sống của các dân tộc người. Đến với Bảo tàng không gian văn hóa Mường, du khách không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Mường mà còn hòa mình gần gũi với thiên nhiên.


Vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ trong khuôn viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Nguồn: facebook)

Nằm ở 202 đường Tây Tiến, Thái Bình, Hòa Bình, Bảo tàng được xây dựng trên một vạt đồi trong thung lũng đá vôi có diện tích 5ha. Cách Hà Nội 80 km về phía Tây và cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7km hướng về phía Sơn La. Nơi đây vốn là nơi sinh sống của người Mường cổ ngày xưa. Đây là bảo tàng tư nhân, được chính người họa sĩ trẻ bỏ công thiết kế, vốn và xây dựng.

Công trình nghệ thuật này bắt nguồn với cảm hứng sâu sắc của một họa sĩ trẻ với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường. Sau 10 năm sưu tầm và gần 1 năm để xây dựng, đến năm 2007, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng được chia thành hai khu vực chính là Khu Tái hiện và Khu Trưng bày.

Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Nguồn: facebook)

Khu Trưng bày

Trong khu vực trưng bày là nơi trưng bày theo chủ đề nhất định, có giá trị văn hóa như: Cồng, Chiêng, Lư, Ninh Đồng hay những hiện vật về đời sống tinh thần, dụng cụ dệt, săn bắn,... Bảo tàng đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 3000 hiện vật. Nơi đây không chỉ để tham quan, giải trí mà còn là nơi để tìm hiểu và nghiên cứu về các giá trị văn hóa của dân tộc Mường. Đặc biệt là không gian nghệ thuật được gọi là Muong Studio.

Một góc nhỏ trong Khu Trưng bày (Nguồn: facebook)


Những cung tên, cối chày xa xưa được tái hiện lại rất chân thực (Nguồn: facebook)

Muong Studio: Nơi đây như một bảo tàng thu nhỏ, là nơi giao lưu, sáng tác và tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Thư viện: Nơi lưu giữ hơn 5000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, hấp dẫn nhiều du khách từ phương xa tụ hội.

Khu Tái hiện

Khu Tái hiện sống động, gần gũi, tái hiện lại cảnh sinh hoạt, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường xưa và nay.  Khu Tái hiện gồm 4 khu nhà sàn (nhà lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho bốn tầng lớp trong xã hội Mường.

  • Nhà Lang: Đây là tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường.
  • Nhà Ậu: Ngôi nhà của những người giúp việc cho nhà Lang.
  • Nhà Nóc: nhà của tầng lớp bình dân trong xã hội Mường.
  • Nhà Nóc Trọi: Tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.

Nhà Lang (Nguồn: facebook)

Các ngôi nhà này được sưu tầm và tái hiện lên từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường ngày xưa. Nguyên liệu dùng làm vật liệu xây dựng được lấy từ các loại thảo mộc như: gỗ, tre, nứa, lá…là những loại cây rất gần gũi với người Mường.

Dựa theo thứ bậc, quyền uy và sự giàu mà mỗi ngôi nhà cũng có kích thước và quy mô khác nhau. Nhà quan Lang luôn là ngôi nhà to nhất và đẹp nhất được dựng hoàn toàn bằng gỗ với sàn nhà cao. Nhà Âu nhỏ hơn một chút so với nhà quan Lang và đồ đạc trong nhà cũng sơ sài hơn. Những căn nhà Nóc của người dân thường được dựng từ gỗ và một vài vật liệu tre nứa khác. Cuối cùng là căn nhà dành cho tầng lớp thấp nhất của xã hội Mường – nhà Nóc Trọi chỉ được dựng một cách tạm bợ bằng tre, nứa mà thôi.

Hơn thế nữa, khi tham quan tại đây, du khách không chỉ được nhìn, xem tận mắt mà còn thực sự hòa quyện vào cuộc sống hàng ngày của người dân Mường như làm nương rẫy, giã gạo, dệt vải, quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, đắm chìm vào bầu không khí âm nhạc của lễ hội bên cạnh các trò chơi dân gian thú vị.

Không gian bếp núc tại Khu Tái hiện (Nguồn: facebook)


Khu dệt vải của dân tộc Mường cổ (Nguồn: facebook)

Một số thông tin cần thiết

Liên hệ đặt vé: +84 02183 893 688

Giá vé vào cửa: Đối với người lớn - 50.000 đồng, và sinh viên là 25.000 đồng.

Bên cạnh đó, còn các dịch vụ khác như:

  • Hướng dẫn tham quan bằng tiếng Việt (100.000 đồng/lượt), tiếng Anh (120.000 đồng/lượt) và tiếng Pháp (120.000 đồng/lượt)
  • Lệ phí chụp ảnh: Chụp ảnh du lịch -100.000 đồng/máy, chụp ảnh chuyên nghiệp và ảnh cưới : 400.000 đồng/máy
  • Lệ phí quay phim: Quay phim du lịch (100.000 đồng/máy) và quay phim chuyên nghiệp (400.000 đồng/máy).

Tuy mới được thành lập năm 2007 nhưng Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã thành công hơn cả mong đợi và được công chúng trong và ngoài nước biết đến, bởi sự chuyên nghiệp từ trong cách thức tổ chức đến sự đầu tư bài bản. Nếu có dịp ghé Hòa Bình, bạn hãy dành thời gian qua tham quan và trải nghiệm văn hóa nghệ thuật tại Bảo tàng nhé.