28-02-2019 bởi Nguyễn Thu Hằng

Du lịch núi Yên Tử- Tìm về chốn linh thiêng ngàn năm

Nếu bạn đang muốn tìm chốn thư giãn sau những chuỗi ngày dài mệt mỏi, hãy đến núi Yên Tử với đại ngàn rừng bao phủ là tùng, trúc, mai vàng hàng ngàn năm tuổi.


1.Núi
Yên Tử ở đâu?

Núi Yên Tử là loại “ danh sơn”( núi đẹp), thuộc
dãy núi Đông Triều, vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành
phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Phía đông dãy Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh còn
phía tây là thuộc tỉnh Bắc Giang.

Đi ô tô với quãng đường 125km từ Hà Nội qua thành
phố Uông Bí thì vào Vàng Danh, đi thẳng 9km rồi rẽ trái.  Chúng ta có thể tới núi Yên Tử bằng hai con
đường. Nếu bạn có sức khỏe không tốt, hãy đi bằng đường cáp treo với quãng đường
hơn 1.2km với độ cao 450m gần chùa Hoa Yên. Từ nơi đây, ta có thể thỏa mắt ngắm
nhìn toàn cảnh sơn thủy hữu tình núi non Yên Tử. Nếu bạn muốn thử thách đôi
chân, hãy thử đi bộ hơn sáu tiếng đồng hồ với chiều dài hơn 6km bậc đá xếp,len
lỏi giữa núi rừng bạt ngàn cây cỏ. Đường rừng núi sẽ là thử thách lí thú cho những
ai muốn rèn luyện sức khỏe và ưa thích leo núi.

Với chiều cao 1068m so với mực nước biển, đây là
nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử lâu đời nên núi Yên Tử được coi là “đất tổ Phật
giáo Việt Nam”.


Dãy
núi Yên Tử- Quảng Ninh

2.Cảnh
quan

Quanh năm, trên đỉnh núi Yên Tử có mây bao phủ nên
nơi đây còn được gọi là Bạch Vân sơn. Đứng trên độ cao hơn 1000m ngắm sương mờ
len lỏi qua những ngọn núi cùng những làn sương lùa qua những kẽ tay là cảm
giác tuyệt vời khi bạn đến núi Yên Tử. Nếu bạn muốn tìm đến một nơi phong cảnh
hữu tình thì nơi đây sẽ là địa điểm không thể bỏ qua.

 

Những
đám mây lững lờ chân núi Yên Tử

Hành trình lên núi Yên Tử bắt đầu với suối Giải
Oan rồi lên chùa Hoa Yên. Chùa  Hoa Yên
còn có tên gọi khác là chùa Cả, chùa Phù vân hoặc chùa Vân Yên, nằm ở độ
cao 543m với hàng tùng cổ hàng nghìn năm tuổi. Tương truyền hàng cây này được trồng
khi vua Trần  Nhân Tông lên Yên Tử tu
hành. Con đường lên núi làm du khách có cảm giác đang bước chân lên nấc thang
thiên đường, với những dải mây trắng lững lờ trôi và trời xanh ẩn hiện xa xăm.

Chùa Hoa
Yên

Tiếp theo, ở độ cao 700m là chùa Vân Tiêu lấp ló
trong những đám mây bên triền núi cao. Leo một đoạn là đến chùa Một Mái, nơi có
hang nước mát lạnh chảy ra từ khe đá. Du khách có thể lấy nước ở đây để uống hoặc
rửa mặt, vô cùng sảng khoái. Ở độ cao 900m là bức tượng đồng  Phật Hoàng  Trần  Nhân Tông  lớn nhất tại Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn của
vị vua Trần Nhân Tông, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định cho Tỉnh hội
Phật giáo Quảng Ninh dựng tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tượng được đúc
bằng đồng nguyên khối, cao 15m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh.

Chùa Đồng

 Cuối con dốc là chùa Đồng ở độ cao 1068m so với
mực nước biển. Chùa được xây từ thời nhà Hậu Lê với tên là Thiên Trúc tự. Qua
đoạn dốc nhất là đến khu tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng.  Nếu
may mắn đi vào một ngày trời đẹp, không có mây mù thì du khách có thể nhìn rõ
tượng Phật Hoàng từ phía xa.
 Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao
3 m, rộng 12 m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử. Những bậc cuối cùng
không  có bậc thang nên mọi người bước đi trên đá. Mọi người vẫn giữ thói
quen chà tiền lên chuông, khánh và cột chùa Đồng để cầu may. Từ trên cao nhìn
xuống, thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp. Con người thật nhỏ bé trước
thiên nhiên. Đứng ở độ cao 1068 m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng
Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức
tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng. Dọc đường còn có Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được
 xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân
Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt
Nam.



 Núi Yên Tử là nơi đất phúc địa linh, hội tụ khí
thiêng trời đất. Núi rừng Yên Tử, cũng là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp ta có
được sự bình an, thanh thản, trở về bản tâm chân thật của chính mình Với những
mái chùa rêu phong, những am cổ, những tùng, mai ngàn năm tuổi cùng các sườn
non vách đá như đang ướp hương hồn du khách vào cõi Phật linh thiêng.  Những giá trị to lớn về văn hóa, kiến trúc,
phật giáo, núi Yên tử xứng đáng là điểm đến lí tưởng cho du khách tứ phương.

“Trăm năm tích đức tu hành



































Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu.”