02-03-2023 bởi Vân Hoàng

KHÁM PHÁ ĐIỆN BIÊN HÙNG VĨ - ĐẶT CHÂN ĐẾN CỰC TÂY CỦA TỔ QUỐC

Điện Biên có thể nói là vùng Tây Bắc kém nổi tiếng hơn so với các “anh em” còn lại. Điện Biên, vùng đất của địa hình đồi núi hiểm trở, là nơi ẩn mình của nhiều hang động đặc sắc, vùng biên giới với 21 dân tộc chung sống. Đối với mình, thiên nhiên của Điện

Điện Biên có thể nói là vùng Tây Bắc kém nổi tiếng hơn so với các “anh em” còn lại. Điện Biên, vùng đất của địa hình đồi núi hiểm trở, là nơi ẩn mình của nhiều hang động đặc sắc, vùng biên giới với 21 dân tộc chung sống. Đối với mình, thiên nhiên của Điện Biên có thể sẽ không phải đẹp nhất vùng Tây Bắc, nhưng đó là một vùng đất bạn nhất định phải đi một lần trong đời. Đi để hiểu về lịch sử, về quá khứ, về sự kiên cường và hy sinh của ông cha ta.

Trong toàn bộ quá trình ở Điện Biên, bọn mình di chuyển một quãng đường khoảng 1800 cây cả đi cả về nên phải cân nhắc từng chút một lịch trình và chọn nhà xe thật chính xác để không lỡ dở thời gian. Để đi hết Điện Biên chắc chắn sẽ còn phải dài ngày hơn nữa, vì trong lịch trình này thì bọn mình không đi được Tủa Chùa, nhưng trong giới hạn 3 ngày thì mng hoàn toàn có thể follow theo lịch trình này nhé!


THỜI TIẾT

Mùa này thời tiết Điện Biên khá đặc biệt. Ban ngày nóng như mùa hè, rơi vào khoảng 30 độ nhưng đến ban đêm sẽ xuống tới 12 - 13 độ lạnh lắm. Các bạn nhớ mang cả quần áo đông hè khi đến đây nha. Bọn mình nhìn nhiệt độ 30 sướng quá không đứa nào mang đồ đông tử tế nên buổi tối không dám đi đâu.


DI CHUYỂN

  • Hà Nội <=> TP. Điện Biên Phủ

- Chiều đi: Xe Hà Sơn - Hải Vân (350k/người): Xe Hải Vân rất nổi tiếng đi Tây Bắc rồi nên mình không review gì thêm. Có 2 lý do khiến mình vẫn chọn xe Hải Vân vì chất lượng, không nhồi nhét và xuất bến ở Mỹ Đình nên tiện cho bọn mình.

- Chiều về: Xe Trường Thành (400k/người): Xe cũng đẹp như Hà Sơn - Hải Vân nhưng có tình trạng nhồi nhét nên mình vẫn recommend các bạn đi chiều về bằng xe Hải Vân

  • Trong thành phố Điện Biên Phủ

Xe máy của anh Đức (Sdt: 0968734734) ở ngay đối diện cổng trường kinh tế Điện Biên). Giá 150k/xe/ngày

Anh cũng rất nhiệt tình, bọn mình đến Điện Biên lúc 5h sáng nhưng anh đã phi ra mở hàng cho bọn mình lấy xe liền và còn cho để nhờ đồ nữa.

  • Điện Biên Phủ - Mường Nhé

Thường thì theo review, mọi người sẽ hay khuyên bạn đi bằng xe Tiến Vượng vì xe đi thẳng lên đồn biên phòng A Pa Chải, nhưng lưu ý là xe đi rất lâu vì chở theo cả hàng hóa. Quãng đường 270 cây từ Điện Biên Phủ - A Pa Chải sẽ mất một ngày, cộng thêm ngày hôm sau ra về nữa thì bạn sẽ mất tong 2 ngày trên xe mà không làm được gì. Ban đầu mình cũng cứ đinh ninh là lên kịp nhưng gọi cho anh ở đồn biên phòng thì anh bảo không thể lên kịp trước 4h chiều dù có xuất phát lúc 6h sáng nên bọn mình phải phải tính lại phương án. Bọn mình quyết định sẽ đi xe lên Trung tâm Mường Nhé và đi xe máy thêm 50 cây lên A Pa Chải.

- Chiều đi: Nhà xe Huyền Anh (200k/người): Xe rộng, thoải mái, đi chỉ mất 6 tiếng, rất tiện cho bạn nào muốn đi cực Tây A Pa Chải

- Chiều về: Mình không nhớ tên nhà xe nhưng lên A Pa Chải hỏi xe 6h sáng thì họ sẽ chỉ cho bạn liền (180k/người)

  • Trong Trung tâm Mường Nhé

Xe máy tại nhà nghỉ (250k/xe/ngày). Nhờ cô chú chủ homestay ở Điện Biên Phủ deal thì bọn mình mới có giá đó chứ thường là phải 300k/xe/ngày


NHÀ NGHỈ

  • Tại Thành phố Điên Biên Phủ: Nhà nghỉ Tâm Cường

Địa chỉ: 46 Hoàng Văn Thái, TP Điên Biên Phủ (ngay cạnh đồi A1)

SĐT: 0989889014

Giá: 350k/phòng/2 giường đôi

Phòng ốc sạch sẽ gọn gàng, đầy đủ tiện nghi. Cô chú chủ nhà cực kỳ thân thiện và nhiệt tình ạ. Cô chú cũng giúp đỡ bọn mình rất nhiều trong chuyến đi lên Mường Nhé, tìm phòng và deal giá hộ đỉnh đến mức bọn mình ngỡ ngàng luôn. Sáng hôm sau cô chú còn gọi điện vì sợ bọn mình trễ xe đi Mường Nhé và lấy xe đưa tụi mình ra bến luôn. Đi về rồi vẫn rất nhớ và biết ơn cô chú nhiều lắm. Mọi người có thể đến đây ở nếu có ghé Điện Biên nhé.


  • Tại Trung tâm Mường Nhé: Nhà nghỉ Bình Minh

Địa chỉ: Ngay gần Bến xe Mường Nhé, đến gần Agribank thì rẽ vào ngõ là đến

SĐT: 0869899982

Giá: 300k/phòng/2 giường đôi

Phòng ốc bình dân nhưng cũng đầy đủ và ổn áp. Nhà được lắp camera tứ phương tám hướng nên thường bạn sẽ tự do nhận phòng và liên lạc với anh chủ qua điện thoại. 


LỊCH TRÌNH CHI TIẾT

NGÀY 1: Di chuyển Hà Nội - Điên Biên Phủ

Thời gian: 11 tiếng - từ 7h30 tối - 5h30 sáng


NGÀY 2: Đèo Pha Đin - Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Cánh đồng Mường Thanh

  • Đèo Pha Đin

Quãng đường: 90 km từ Tp Điên Biên Phủ - Đèo Pha Đin (thuộc huyện Tuần Giáo, giáp với Sơn La)

Vì đã chinh phủ Khau Pha, Ô Quy Hồ và Mã Pí Lèng nên mình rất háo hức cho chuyến đi đến đèo Khau Phạ. Trên đường đi còn may mắn săn được mây do đi mấy ngày thời tiết đẹp, đúng là nhân phẩm, không chủ đích lại được ngắm mây ><


Săn mây trên đường đến Pha Đin



Bia Di tích lịch sử tại Đèo Pha Đin


Dù là một trong tứ đại hùng đèo miền Bắc nhưng Pha Đin đã "hiền" đi nhiều, theo mình biết là sau khi làm lại đường thì gần như đã bỏ hết đoạn dốc và cua tay áo, rất thích hợp cho những ai đi đèo lần đầu.


  • Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bảo tàng đặc biệt với kiến trúc hình nón vô cùng độc đáo và kiên cố. Lối vào bảo tàng được thiết kế để mọi người có cảm giác mình bước xuống hầm vậy.

Ngay khi bước vào thì bạn sẽ có hướng dẫn viên ra chào và hướng dẫn luôn cách tham quan.

Phần 1, bạn sẽ đi xem bức tranh Panorama lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Toàn bộ bức tranh được ốp vào toàn bộ tòa nhà hình trụ với 4 bức chủ đạo miêu tả 4 giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tranh được kết hợp với dựng cảnh chân thực và âm nhạc hùng tráng để bạn hiểu rõ nhất về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là gần như các nhân vật trong bức tranh đều là nhân vật có thật ở ngoài đời do đội sản xuất đã thu thập rất nhiều tư liệu hình ảnh và gặp gỡ các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ đã hy sinh. Bản thân mình thì thực sự rất xúc động, có những chi tiết mình xem trên tranh mà thấy nổi da gà. Ông cha đào núi mở hầm bằng những dụng cụ thô sơ nhất, kéo pháo trên những con đèo dốc hiểm bằng sức người, ngủ hầm chiến đấu trong rừng. Mình hiểu thế hệ nào cũng có những nỗi khổ và đau đớn riêng, nhưng sự thực là đã có những thế hệ đã phải bỏ xương máu, đã phải chịu đựng những điều kiện khó khăn nhất để có cuộc sống hôm nay.

Sau khi xem xong tranh thì mình lên tầng 2 và tham quan toàn bộ các tư liệu và hiện vật về cuộc chiến.


Bức tranh Panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ


Giá vé: 100k/người (nhưng thấy vẫn xứng đáng ạ)


  • Cánh đồng Mường Thanh

Sau khi tham quan bảo tàng xong thì bọn mình kịp đón hoàng hôn ở cánh đồng Mường Thanh, nơi từng là cái kho chứa đầy ngô lúa phục vụ chiến dịch. Hiện tại cánh đồng vẫn rất rộng, chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm, vẫn yên ả và thanh bình sau khi đi qua những năm tháng chiến tranh.


Hoàng hôn trên cánh đồng Mường Thanh


NGÀY 3: Điên Biên Phủ - TT Mường Nhé - Đồn biên phòng A Pa Chải - Cột mốc số 0 Cực Tây - TT Mường Nhé

  • Di chuyển Điện Biên Phủ - Trung tâm Mường Nhé

5h sáng bọn mình xuất phát đi Mường Nhé, trời còn hẵn tối và sương mù dày đặc, báo hiệu chuẩn bị lại thêm một lần gặp mây. Nói chung chuyến đi này bọn mình sơ hở là thấy mây bay ngang qua luôn mọi người ạ, trộm vía hết sức.



  • Đồn Biên phòng A
    Pa Chải - Cột mốc số 0 cực Tây tổ quốc

11h trưa bọn mình lên
đến Mường Nhé. Nhận phòng và nghỉ ngơi ăn uống thì khoảng 1 rưỡi bọn mình lấy
xe máy đi lên A Pa Chải. Lên đây thì mình thấy Vinaphone là sóng khỏe nhất còn
Viettel thì cũng lúc có sóng lúc không nên nếu cần thì cứ báo trước cho người
thân phòng khi họ liên lạc không được nhé. Trước khi lên mọi người nên gọi
trước cho Đồn biên phòng để các anh chuẩn bị nhé (Liên hệ anh Phong:
0985348555). Anh cũng rất nhiệt tình chỉ cho mọi người xe cộ và cách di chuyển
tiện lợi luôn.

Đi xe máy khoảng 1
tiếng thì bọn mình đến Đồn Biên phòng A Pa Chải. Mọi người nhớ chuẩn bị CCCD để
vào đồn, sau đó sẽ được một anh bộ đội dẫn ra cột mốc.

Đường từ đồn Biên
phòng ra cột mốc sẽ mất thêm khoảng 15 cây nữa nhưng đi cũng nhanh lắm, đường
khá đẹp rồi chỉ có một số chỗ hơi lắt léo chút thôi, cứ chạy số 1 thẳng tiến là
đẹp. Hết đoạn đi xe máy thì sẽ leo thêm khoảng 500 bậc nữa thì sẽ tới cột mốc.
Mọi người nhớ đeo khẩu trang (các anh bộ đội cũng sẽ nhắc thôi) vì có cả du
khách Trung Quốc cũng tham quan trên đó luôn ạ.

Cột mốc số 0 là cực
Tây của đất nước, là biên giới của ba nước Lào - Trung - Việt Nam. Đứng từ đây
thì bạn sẽ thấy núi rừng và địa phận của cả ba nước từ trên cao luôn. Năm vừa
rồi mình chủ yếu đi biên giới thì Trung Quốc gần như đã là rào thép gai phân
chia biên giới nhưng với Điện Biên thì đường biên giới là rừng núi quá dốc nên
hiện tại vẫn chưa làm được. Anh bộ đội kể cho bọn mình nghe rất nhiều điều hay
ho về cuộc sống ở trên này, về cách bảo vệ biên giới ra sao và về cả cuộc sống
của người lính biên giới nữa. Anh rất nhiệt tình chụp ảnh giúp và cứ đòi bọn
mình đứng vào đây vào kia đi chụp cho đẹp.

Phí dẫn đoàn: 400k/đoàn



Cột mốc số 0 - Cực Tây tổ quốc


Cảnh từ cực Tây nhìn xuống


NGÀY 4: TT Mường Nhé -
Điên Biên Phủ - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Hầm De Castries - Đồi A1
- Hà Nội


6h sáng thì bọn mình
lên xe và khoảng 12h trưa thì đến Điện Biên Phủ. Quay về nhà nghỉ Tâm Cường, để
nhờ hành lý và thuê xe của nhà cô chú (150k/2 xe/nửa ngày) rồi đi các khu di
tích lịch sử gần thành phố.


  • Sở chỉ huy Chiến dịch
    Điện Biên Phủ


Địa chỉ: Mường Phăng,
dưới chân núi Pú Đồn - cách 30 cây từ thành phố Điện Biên Phủ



Đây là Sở chỉ huy thứ
3 và cũng là cuối cùng của chiến dịch, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra
những chỉ thị có tính quyết định nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ở
đây bọn mình tham quan nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó tổng Tham
mưu Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Văn Thái.


Giá vé: 20k/người




Một trong những nơi làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch




Phòng họp trong Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng



  • Hầm De Castries



Căn hầm hiện vẫn còn
giữ nguyên cấu trúc và cách sắp xếp. Khi đến đây và nghe hướng dẫn viên thuyết
trình thì bạn sẽ hiểu hơn cuộc đời của tiếng De Castries và sự thua trận của
ông tại chiến trường Điện Biên Phủ.


Giá vé: 20k/người


  • Đồi A1



Điểm đến cuối cùng của
bọn mình để kết thúc chuyến đi Điện Biên Phủ, cũng là nơi bọn mình có cơ hội
đón hoàng hôn cuối ngày. Trên đồi đa phần là những căn hầm cố thủ của Pháp
trước kia và hầm quân ta đã đào nhắm tiếp cận Pháp. Hiện nay vẫn còn dấu tích
hố Bộc phá trên đồi A1. Ngay bên cạnh đồi có đền thờ Liệt sĩ với kiến trúc rất
độc đáo bạn có thể ghé thăm


Giá vé: 20k/người



Hoàng hôn trên đồi A1



Đền thờ liệt sĩ tại đồi A1


  • Di chuyển về Hà Nội

8h xe đón bọn mình và
chính thức kết thúc chuyến đi. Chúng mình có mặt tại Hà Nội lúc 6h sáng ngày
hôm sau.

Điều đặc biệt nhất mà
mình muốn cảm ơn đó chính là sự nhiệt tình của người dân nơi này. Đi đến đâu
bọn mình cũng nhận được sự giúp đỡ và yêu thương từ mọi người, từ cô chú chủ
nhà ở thành phố, anh chủ home ở Mường Nhé, các anh bộ đội ở A Pa Chải, chị bán
phở ở Mường Nhé hay cả các bác tài đưa bọn mình di chuyển ở Điện Biên!