Tự
nhận là một con "bánh bèo" yếu xìu chỉ leo cầu thang cũng đã mệt, vậy
mà không thể cưỡng lại sức hút của những cung đường trek đẹp tuyệt sắc, háo hức
muốn được một lần hít thở bầu không khí giữa tự nhiên núi rừng, mình cũng
"liều mình" lên đường. Mình không phải là một "trekker"
chuyên nghiệp, mà chỉ là một đứa yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên, đôi lúc muốn
trốn khỏi phố xá thành thị để đến với những nơi chẳng có gì ngoài cây cỏ chim
muông. Dưới đây cũng không phải là "bí kíp" gì giúp bạn sống sót
trong rừng hay giúp bạn chinh phục mọi chuyến trek, đây chỉ là một số kinh
nghiệm mình nhặt nhạnh được qua vài chuyến trekking và chia sẻ với mong muốn có
thể giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn để lên đường.
Những
cung đường trekking phong cảnh tuyệt đẹp nhưng không hề dễ dàng
Chuẩn bị gì trước khi trekking
1.
Đầu tiên là thể lực, đặc biệt là sức bền. Trong 1 chuyến trekking, bạn sẽ phải
đi bộ rất nhiều, chưa kể đến các loại địa hình đa dạng mà bạn có thể phải vượt
qua như đồi núi, rừng rậm, đồi cát hay vách đá. Đi bộ liên tục cả một chặng
đường dài, nếu không tập luyện thường xuyên thì bạn sẽ rất nhanh bị đuối sức và
còn có khả năng bị chấn thương nhẹ như trật chân, bong gân...Do vậy nếu muốn
thử sức mình trong 1 chuyến trekking khoảng 2-3 ngày, mình khuyên các bạn nên
tập thể lực trước đó 2-3 tuần, thường là đi bộ, chạy bộ...để rèn sức bền cho cơ
thể. Trước khi đi nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc.
2.
Dù đi bất cứ cung đường nào thì việc biết rõ đường đi là điều tối quan trọng,
nhất là các cung đường rừng vì bạn có thể đi lạc bất cứ lúc nào. Mình thường
chỉ lựa chọn đi theo các tour có leader uy tín, biết rõ cung đường và có nhiều
kinh nghiệm đi trek. Nếu không, bạn cũng có thể nhờ 1 người địa phương nắm rõ
địa hình ở đó để hỗ trợ dẫn đường. Nếu bạn muốn tự khám phá, la bàn, GPS và
tracklog là những thứ không thể thiếu, tuy nhiên vẫn có nhiều rủi ro mà bạn cần
phải lường trước khi sử dụng những thiết bị này.
3.
Lều, túi ngủ, bật lửa, thức ăn: cắm lều ngủ qua đêm thường là lựa chọn duy nhất
khi đi các cung trek đường dài.
4.
Giày thể thao (hoặc giày leo núi) có độ bám tốt, độ ma sát tốt, thoải mái cho
chân và không gò bó, có lớp lót êm và độ đàn hồi để giảm nguy cơ bị phồng rộp
chân do di chuyển nhiều. Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị thêm một đôi dép tổ ong
hoặc dép đi mưa.
5.
Trang phục: đây không phải là chuyến đi dã ngoại hay du lịch bụi thông thường,
do vậy bạn nên chuẩn bị những bộ đồ thoáng mát, co dãn tốt hoặc đồ thể thao,
tránh mặc các loại quần jean dày bó sát vì sẽ rất nặng nề và khó thoát mồ hôi.
Bạn nên gói ghém đồ đạc gọn nhẹ nhất có thể, chỉ khoảng 1-2 bộ đồ và áo khoác
vì buổi tối trong rừng dễ bị lạnh.
6.
Nước, nếu đi trong khoảng 2-3 ngày bạn có thể sẽ cần đến 3-4 lít nước, trên
đường đi bạn cũng nên lấy thêm nước ở suối nếu được. Ngoài ra thì bạn cũng nên
mang theo ít đồ ngọt để kịp thời tiếp năng lượng khi mất sức trong quá trình
đi.
Khung
cảnh mà bạn sẽ khó lòng tìm được trên các cung đường "phượt" xe máy
thông thường
7.
Balo, gậy trek, bó gối và đèn pin: những vật dụng không thể thiếu khi đi
trekking. Với những chuyến trekking như thế này, bạn sẽ cần một chiếc gậy trek
chuyên dụng để băng qua nhiều loại địa hình, các kiểu dốc núi và bó gối để giảm
đau nhức cơ hay trật chân.
8.
Trong những cung trek có băng qua suối hay vách đá nguy hiểm, bạn cần chuẩn bị
dây thừng, đai bảo hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả đoàn. Ngoài ra để
phòng trường hợp đi lạc, bạn cũng cần có vài loại dao đa năng và còi báo hiệu.
9.
Các loại thuốc và dụng cụ sơ cứu y tế cơ bản như thuốc đau đầu, đau bụng, hạ
sốt, chống muỗi, chống vắt, thuốc bôi nếu bị côn trùng cắn, thuốc sát trùng,
băng gạc cá nhân, vitamin C…Đặc biệt nếu đi vào mùa mưa thì lúc băng rừng lội
suối sẽ có rất nhiều muỗi và vắt nhé.
10.
Kem chống nắng, mũ, kính râm, găng tay, tay áo chống nắng. Áo mưa bộ tiện lợi,
túi nilon để bọc balo, đồ điện tử phòng trường hợp mưa.
11.
Sạc đầy pin điện thoại, cục sạc dự phòng, máy ảnh, camera hành trình để ghi lại
những trải nghiệm chân thực nhất nhé.
12.
Vì đây là một dạng du lịch khá mạo hiểm nên bạn đừng quên một điều cũng rất
quan trọng là bảo hiểm du lịch nhé.
Những
vật dụng cần thiết khi trekking nếu có điều kiện bạn có thể mua luôn, còn không
thì có thể thuê ở đây,
mình thấy chất lượng ổn mà giá cả cũng ok.
Một số kĩ năng khi đi trekking
-
Trong những chuyến trekking, điều quan trọng không phải là bạn đi thật nhanh để
đến đích, mà là giữ sức bền để đi xuyên suốt hành trình. Bạn nên đi với tốc độ
bình thường, giữ cho hơi thở điều hòa khi leo dốc hay xuống dốc, nếu quá sức
hãy tạm dừng nghỉ, tuy nhiên đừng nên nghỉ quá lâu vì sẽ dễ bị lạnh cơ.
-
Với những con dốc đứng, bạn có thể đi theo đường zigzag, dùng gậy trek chống để
lấy đà bước về trước và bám vào các mô đá, thân cây để leo lên. Khi xuống dốc
lòng bàn chân nên đi theo hướng nghiêng, khom người và giữ cho trọng tâm của
balo nằm phía trước chân đế. Nếu đi thẳng người, trọng tâm balô sẽ nằm phía sau
chân, dễ bị trượt té. .
-
Nếu dốc khá đứng, bạn nên xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả
hai tay để bám chịu mà leo xuống. Khi leo xuống, lúc nào cơ thể các bạn cũng
phải chịu trên 3 điểm tựa, một tay với hai chân hay một chân với hai tay. Sử
dụng tay hay chân còn lại để tìm điểm tựa thấp hơn.
-
Khi đi trek hay leo núi bạn sẽ mất rất nhiều nước do sự thoát mồ hôi, nhưng bạn
đừng nên tiếp nước liên tục hoặc uống nhiều nước ngọt, chỉ nên uống nước lọc và
uống ít ngụm để đỡ khát mỗi khi dừng chân nghỉ. Bạn cũng có thể bổ sung đường,
nước chanh hoặc các loại vitamin để giúp cơ thể ổn định đường huyết và tăng sức
đề kháng.
-
Bạn nên chọn size giày lớn hơn từ 0.5 đến 1 size so với giày bình thường bạn
mang, đừng nên mang giày quá chật hoặc vừa khít vì sẽ nhanh bị phồng rộp chân.
-
Khi đi trek trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tránh trùm kín mặt vì sẽ thiếu
oxi để thở đồng thời hít vào khí co2 có thể làm bạn mệt hơn.
-
Khi băng qua những con suối đang chảy xiết hay leo vách đá dựng đứng, buộc bạn
phải dùng dây thừng nối những người trong đoàn với nhau, cần người khỏe mạnh và
có kĩ năng để neo dây vào điểm chắc chắn và hỗ trợ những người khác lần lượt
vượt qua.
đến
những dốc núi dựng đứng bên vách đá
Lưu ý khi bị lạc trong rừng
-
Nếu bạn vừa bị lạc khỏi đoàn, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, hạn chế
di chuyển nhiều, xác định phương hướng và để lại dấu hiệu ở đó chờ người đến
cứu.
-
Bạn nên đánh dấu đoạn đường mình đi qua trên các thân cây hay vách đá, cố gắng
đốt lửa tạo khói hay tạo âm thanh to nếu có thể.
-
Tìm kiếm nguồn nước và đi về hướng sông, suối chảy, khả năng sống sót của bạn
sẽ cao hơn. Chỉ ăn những loại quả, cây mà bạn biết chắc chắn không có độc,
tránh ăn các loại nấm hay quả kì lạ.
-
Để bảo vệ bản thân và tránh những cơn mưa rừng, bạn nên tìm một nơi trú ẩn an
toàn như hốc đá...
-
Nếu bạn đủ sức khỏe cũng có thể tự tìm đường thoát khỏi khu vực bị lạc, nên đi
theo đường mòn trong rừng, tránh đường có nhiều cây cối, rậm rạp vì khó xác
định phương hướng.
-
Cuối cùng là biết lượng sức của mình và tuyệt đối không đi theo kiểu “tùy hứng”
hay "ăn theo. Điều đó liên quan đến an toàn tính mạng của chính bạn và
những người đi cùng.
Và
khi đã có một sự chuẩn bị tốt, có những kĩ năng nhất định, thì đừng ngại lên
đường khám phá những chân trời mới nhé!
khám phá những chân trời mới nhé
tin
mình đi, khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên sẽ xứng đáng với những công sức mệt
nhọc bạn đã bỏ ra