28-02-2019 bởi Minh Hạnh

Nhà thờ đá cổ Sapa - biểu tượng của thị trấn mờ sương

Sapa là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn bậc nhất Việt Nam bởi những danh lam thắng cảnh, con người và đời sống văn hóa phong phú. Đến đây, nhất định phải ghé thăm nhà thờ đá cổ Sapa, tu viện cổ kính, lộng lẫy mang dấu ấn kiến trúc của người Pháp.

1. Giới thiệu Nhà thờ đá cổ Sapa

Nhà thờ đá cổ Sapa nằm ở trung tâm thị trấn Sapa, tọa lạc trên một khoảng đất cao dưới chân núi Hàm Rồng và có diện tích khoảng 6.000m2. Phía trước nhà thờ là quảng trường rất rộng, địa điểm vui chơi của người dân, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội dân tộc vô cùng ý nghĩa và độc đáo.

Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nhà thờ đá hay nhà thờ đá cổ là những cái tên mà du khách và người dân thường dùng để gọi công trình kiến trúc này.

Theo lịch sử ghi chép lại, nhà thờ đá cổ Sapa được người Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1935. Đây là công trình được xây bằng đá và được xem là dấu ấn duy nhất còn nguyên vẹn của người Pháp trên mảnh đất Sapa.

Nơi đây đã cùng với mảnh đất và con người Sapa trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của thành phố. Mặc dù trải qua nhiều cuộc trùng tu nhưng nhà thờ vẫn giữ nguyên vẹn những vẻ đẹp vốn có.

Nhà thờ đá nhìn từ phía quảng trường

2. Hướng dẫn đường đến nhà thờ đá cổ Sapa

Từ Hà Nội, bạn có thể đến nhà thờ đá cổ Sapa bằng nhiều cách. Đầu tiên là đi tàu từ Hà Nội lên Lào Cai, mất khoảng 8 tiếng bằng 1 giấc ngủ ban đêm. Bạn nên chọn chuyến vào lúc 8-10h tối, lên tàu ngủ một giấc và tầm 5-6h sáng hôm sau bạn đã có mặt tại Lào Cai. Từ ga Lào Cai phải bắt xe khách đi 40km nữa mới đến Sapa.

Bạn cũng có thể di chuyển bằng xe giường nằm với giá vé khoảng 200.000đ, thường khởi hành lúc 7h sáng và 9h tối, đi khoảng 6 tiếng là đến nơi. Bạn sẽ đến trung tâm Sapa mà không cần trung chuyển lại còn được ngắm nhìn cảnh vật dọc đường đi.

Ngoài ra nếu muốn trải nghiệm, khám phá bạn có thể tự di chuyển bằng xe máy hay ô tô cá nhân.

3. Vẻ đẹp nhà thờ đá cổ Sapa

Ẩn hiện trong sương mù Sapa là một nhà thờ đá cổ kính, đẹp lộng lẫy và kì bí mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Gothic La Mã - lối thiết kế thịnh hành ở Pháp những năm đầu thế kỉ XX. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng đá đẽo màu xám, liên kết với nhau bằng hỗn hợp cát, vôi và mật mía nhưng vô cùng kiên cố, chắc chắn. Được phân bố theo từng khu: khu nhà thờ, nhà thiên thần, nhà ở thầy tu, khu nhà xứ, nhà chăn nuôi... Trong đó, khu nhà xứ nằm song song với nhà thờ, cũng có vẻ đẹp rất nổi bật vì được xây dựng theo kiến trúc biệt thự Pháp.

Vẻ đẹp cổ kính mang đậm dấu ấn kiến trúc Gothic

Kiến trúc Gothic được thể hiện qua vòm mái, vòm cửa, tháp chuông... đều hình chóp, tạo cho nhà thờ vẻ đẹp bay bổng, thanh thoát. Phần tường của cánh thánh giá được thiết kế tạo nhám khiến ta có cảm giác như đang có đá nhũ chảy xuống làm tăng thêm nét đẹp tự nhiên. Mái nhà trước kia được lợp bằng vôi và rơm, nay đã được lợp ngói. 

Bên trong nhà thờ đá cổ Sapa

Bên trong nhà thờ có 7 gian, mỗi gian có diện tích khoảng 200m2 là nơi diễn ra các hoạt động, các nghi thức của đạo Công Giáo. Nội thất được trang trí, sắp xếp theo nguyên mẫu thành đường của một nhà thờ Công giáo.

Điểm nhấn nổi bật và hấp dẫn nhất bên trong nhà thờ là 32 ô kính màu được lắp đặt ở khắp các ô cửa sổ. Mỗi tấm kính màu là một bức tranh tuyệt đẹp với các hình vẽ như mầu nhiệm Đức mẹ Mân Côi, hình các thánh, hình chặng đường thánh giá của chúa...

Những ô cửa sổ kính màu với các bức tranh độc đáo là điểm nhấn nổi bật

Không chỉ có tác dụng chiếu sáng thánh đường với ánh sáng huyền ảo mà còn mang vẻ đẹp thẩm mỹ độc đáo, lạ mắt. Giữa không gian cổ kính, tĩnh mịch, những ô cửa sổ với bức tranh màu càng làm khung cảnh thêm sống động, đầy mê hoặc.

Không gian nhà thờ vô cùng huyền ảo, cuốn hút nhờ các ô kính màu

Tháp chuông nhà thờ cao 20m, bên trong tháp là một quả chuông cao 1,5m và nặng 500kg được đúc từ năm 1932. Tiếng vang của quả chuông có bán kính 1km, mỗi lần tiếng chuông vang lên, cả bầu trời cao nguyên rộng lớn như ngân nga theo.

Xung quanh nhà thờ còn có các khu biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp như biệt thự Chủ Cầu (khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (trụ sở Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai). Mỗi công trình lại có một nét độc đáo và vẻ đẹp riêng.

Người dân tộc buôn bán tấp nập trước nhà thờ

Du khách có thể đến tham quan nhà thờ vào tất cả các ngày trong tuần để cảm nhận không gian cổ kính nhưng không kém phần lộng lẫy. Khoảng sân rộng trước nhà thờ, thường có người dân tộc đến buôn bán. Đặc biệt, vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, vẻ tĩnh mịch, trầm lặng ở đây sẽ được thay thế bởi không khí náo nhiệt của chợ tình của người dân tộc thiểu số được tổ chức ngay tại quảng trường phía trước nhà thờ. Đây là hoạt động nổi bật, không gian văn hóa và là nơi giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc nơi đây và cũng là điều mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến nhà thờ đá cổ Sapa.