12-06-2019 bởi Cam Tuyết Nhu

Phong cảnh hùng vĩ hiếm có tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu

Không chỉ có những danh lam thắng cảnh làm mê lòng người mà Lai Châu còn thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp nhân tạo của Nhà máy thủy điện Lai Châu. Sở hữu khung cảnh thiên nhiên yên bình, chắc chắn Nhà máy thủy điện Lai Châu sẽ là điểm khám phá lý tưởng

Đôi nét về Nhà máy thủy điện Lai Châu

Nhà máy thủy điện Lai Châu đang là điểm du lịch mới, hấp dẫn đối với những ai tới vùng đất Lai Châu này. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng chính trên dòng sông Đà và có một tên gọi khác - đó là Thủy điện Nậm Nhùn.

Đứng trên đập, bạn sẽ được phóng tầm mắt tận hưởng được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và sự hiền hòa của dòng sông Đà. Với độ cao 137m và bề rộng hơn 600m, lúc chưa có nhà máy thì khu vực đó là ngọn núi đầy ắp muỗi và vắt rừng. Đây quả thực là kì công mà những kỹ sư tại Lai Châu đã phải nỗ lực rất nhiều mới tạo nên sự cải tạo tuyệt vời như vậy.


Nhà máy thủy điện Lai Châu (Ảnh: Trọng Tuyên)

Việc xây dựng nhà máy thủy điện này đòi hỏi phải có độ chính xác cao từ các thợ máy với 250.000 chi tiết máy, nặng gần 1.000 tấn, phải lắp ráp đúng một năm trời mới hoàn thành. Thủy điện Lai Châu được làm hoàn toàn theo công nghệ Việt Nam từ cửa van đến đập tràn xả lũ ... khác biệt hoàn toàn so với các thủy điện khác ở Việt Nam.

Khó khăn khi xây dựng Thủy điện Lai Châu

Để xây dựng được Nhà Máy Thủy điện Lai Châu, các thiết bị phải được vận chuyển từ các cảng vùng Đông Bắc. Tại Hà Nội, có hai cung đường chính đều có chiều dài khoảng 600km. Theo hướng đi qua Lào Cai, chúng ta buộc phải vượt qua Đèo Ô Quy Hồ. Nếu đi qua Hòa Bình, Điện Biên để qua Lai Châu thì phải vượt con đèo Pha Đin. Mà 2 con đèo này đều nằm trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc, nơi có địa hình hiểm trở, các xe với tải trọng lớn đều không thể vượt qua được. Vì thế mà các kỹ sư, công nhân phải vận chuyển thiết bị nặng bằng đường sông Đà. Tuy nhiên, mọi người phải đợi khi mực nước sông Đà dâng cao nhất (mùa mưa lũ) thì mới vận chuyển được. Các nhà máy thủy điện khác phải cập nhật mực nước thường xuyên. Chính vì vậy, thời tiết là thứ đe dọa lớn nhất đến công trình. Có những lúc mưa dầm mưa dề cả vài tháng trời, mọi công việc bị ngưng trệ.


Thủy điện Lai Châu là công trình vĩ đại đáng tự hào của Việt  Nam (Ảnh: Trọng Tuyên)

Tại khu vực xây dựng Thủy điện Lai Châu lúc bấy giờ chỉ có duy nhất sóng điện thoại Viettel, không có gạo, không điện đài cũng không phương tiện giao thông qua lại. Tình cảnh ấy thực sự rất khó khăn.`Để có điện, ban quản lý khu vực quyết định kéo đường dây 110kV từ đèo Pha Đin vào Lai Châu để phục vụ công trường. Phải mất gần 6 năm ròng rã cùng bao sự cố gắng của đội ngũ kỹ sư và công nhân. Kết quả là công trình thủy điện Lai Châu đã hoàn thành trước dự định 1 năm và mức sinh lợi từ việc phát điện lên đến 4.000 tỉ đồng.

Đến Nhà máy Thủy điện Lai Châu như thế nào?

Từ Thành phố Lai Châu, bạn sẽ đi chừng 100km băng qua những khu rừng già, vượt qua những ngọn núi cao ngút ngàn. Từ hướng đi Lào Cai, bạn phải vượt qua Đèo Ô Quy Hồ. Còn từ hướng Điện Biên qua Lai Châu thì bạn phải vượt qua đèo Pha Đin.  Tuy đường núi non hiểm trở nhưng bạn sẽ  thỏa mãn khi chiêm ngưỡng được vẻ đẹp tuyệt vời ở Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Đường Đèo Ô Quy Hồ rất hiểm trở nhưng cảnh đẹp thì đẹp tuyệt vời (Ảnh: Tuyết Nhu)

Những trải nghiệm thú vị khi tới nhà máy Thủy điện Lai Châu

Ở  miền Tây Bắc này, mỗi thời điểm quanh năm đều có nét đẹp riêng. Tuy nhiên, mùa xuân sẽ làm mùa đẹp nhất để có những trải nghiệm tuyệt vời ở Lai Châu.

Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ làm đắm say lòng người

Đến với Lai Châu, bạn sẽ không những tận hưởng được vẻ đẹp của thiên nhiên tại Nhà máy thủy điện mà còn chinh phục được đèo Ô Quy Hồ hiểm trở, khám phá cao nguyên Sìn Hồ hay cánh đồng Mường Lò thơ mộng ... Những khung cảnh tuyệt vời ấy chắc chắn sẽ làm bạn nhớ mãi.


Vẻ đẹp nên thơ ở  Nhà máy Thủy điện Lai Châu (Ảnh: Trọng Tuyên)

Tham gia các lễ hội truyền thống tại Lai Châu 

Lai Châu là một tỉnh nằm gần biên giới, vì vậy mà hằng năm tại đây diễn ra rất nhiều lễ hội rất thú vị:

  • Mùng 2 đến mùng 4 tháng giêng âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội Gàu Tào của người Mông,
  • Vào 12/1 âm lịch, Lai Châu diễn ra lễ hội đền Lê Lợi,
  • Từ 14 đến 15 tháng giêng âm lịch, Lai Châu tổ chức lễ hội văn hóa động Tiên Sơn,
  • Từ 1/6 âm lịch, Tết Ngô “Ủy La Lóng” của người Cống được tổ chức rất linh đình,
  • Vào 10/3 âm lịch, tại Lai Châu diễn ra Lễ hội Then Kin Pang của người Thái Trắng,

  • Ngoài ra còn có rất nhiều các lễ hội độc đáo khác như lễ Cúng Bản, lễ hội Nàng Han, hội Hoa Ban của dân tộc Thái ...

Thưởng thức món ăn đặc sản ở Lai Châu

Măng nộm hoa ban: Một món ăn dễ chế biến nhưng khá độc đáo của người Thái sống ở Lai Châu.

Món măng nộm hoa ban của dân tộc Thái (Ảnh: Ngọc Khôi)

Pa Pỉnh Tộp (cá suối nướng): Một món ăn dân dã ở Lai Châu đã mà làm nức lòng biết bao thực khách phương xa. 

Pa Pỉnh Tộp nướng giữ được sự ngon ngọt của thịt cá (Ảnh: V.Anh)

Xôi tím: Xôi tím là một trong những món ăn truyền thống của Lai Châu. Xôi tím nhiều màu sắc, có hương vị thơm đặc biệt.

Ngoài ra, còn nhiều món ăn độc đáo của 20 dân tộc sinh sống tại Lai Châu: thịt lợn hun khói, lợn cắp nách, cơm lam ... Tất cả chúng sẽ khiến bạn nhớ mãi về hương vị của núi rừng, hương vị rất riêng của những con người của vùng đất Tây Bắc.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu không chỉ là một công trình để lại dấu ấn quan trọng đối với ngành xây dựng nước nhà mà còn là sự tự hào của dân tộc Việt Nam. Thủy điện Lai Châu sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá tuyệt tác nghệ thuật ở vùng đất trời phú Lai Châu.